Những bí mật khó tin đằng sau "rối loạn" tiêu hóa

(Dân trí) - Không chỉ là tiêu chảy, táo bón, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy những rối loạn của hệ vi sinh đường ruột có mối liên quan chặt chẽ với dị ứng, béo phì, đái tháo đường, suy dinh dưỡng, bệnh lý gan mật…

Hệ vi sinh tác động như thế nào đến cơ thể?

Những bí mật khó tin đằng sau "rối loạn" tiêu hóa - 1

GS. TS. BS. Francesco Franceschi - Viện Nội khoa, Bệnh viện Gemelli, Đại học Công giáo Tp. Rome, Ý, cho biết: hệ vi khuẩn ruột (microbiota) cực phong phú với 800 - 1.200 phân loài từ 130 - 150 loài và chúng hiện diện chuyên biệt trong mỗi ống tiêu hóa (dạ dày, tá tràng, ruột già, hỗng tràng…). Cùng với đó là các vi rút, nấm men, ký sinh trùng… tất cả tạo nên mạng lưới tương quan phong phú trong hệ tiêu hóa.

Điều này lý giải vì sao hoạt động chuyển hóa của vi sinh đường ruột gần như giống như quá trình chuyển hóa của gan, quyết định sự phát triển hệ sinh lý, miễn dịch và tối ưu hóa dinh dưỡng cho cơ thể, ảnh hưởng đến các hệ thống bên trong và bên ngoài đường tiêu hóa suốt cả đời ký chủ.

Theo GS Franceschi, phần lớn bệnh lý đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa như nhiễm trùng tiêu hóa, ung thư dạ dày - ruột, không dung nạp/dị ứng thức ăn, bệnh lý gan tụy, béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh phụ khoa, khớp, tim mạch, tâm thần kinh… có liên quan đến loạn khuẩn và rò rỉ ruột.

Ở người thừa cân có chế độ ăn giàu chất béo và đường ,sự đa dạng vi khuẩn sẽ giảm, vi khuẩn tiền viêm chiếm ưu thế… dẫn tới các bệnh lý liên quan với viêm nhiễm, chuyển hóa.

Một nghiên cứu cho thấy sự kết cụm của vi khuẩn aSyn có thể gây ra các bệnh như Parkinson, bệnh teo đa hệ thống và bệnh thể Lewy; hay không có vi khuẩn GF-ASO sẽ gây rối loạn chức năng vận động đồng thời làm giảm chức năng tiêu hóa và gây táo bón.

Hệ vi sinh “biến đổi” do đâu?

Những bí mật khó tin đằng sau "rối loạn" tiêu hóa - 2

Tuy nhiên, hệ vi sinh này lại chịu tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố, từ di truyền đến chế độ ăn uống, sử dụng thuốc.

GS. Franceschi cho biết: “Loạn khuẩn là hệ quả của những biến cố cuộc sống” diễn ra trong suốt cuộc đời của một con người, từ lúc còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời, biết đi, trưởng thành và già lão.

Trong đó, giai đoạn 2-3 năm đầu đời là hệ vi sinh lõi tự nhiên được truyền từ mẹ (qua sữa mẹ, qua đường sinh nở), từ môi trường, từ dinh dưỡng…

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu tránh được sử dụng kháng sinh trong 2 năm đầu đời, nguy cơ béo phì sau này của trẻ sẽ giảm do hệ vi sinh không bị biến đổi theo hướng bất lợi.

Các nghiên cứu khác lại cho thấy chế độ ăn sẽ hình thành hệ vi khuẩn ruột. Ví như một nghiên cứu trên những người hay ăn sushi cho thấy, hệ tiêu hóa của họ có 1 vi khuẩn ở biển và vi khuẩn này chỉ có ở cộng đồng người Nhật hay ăn sushi.

Hệ vi sinh đường ruột ở người cũng có thể chuyển đổi nhanh chóng giữa chế độ ăn chay và ăn thịt. Trong đó, một nghiên cứu tại Anh cho thấy ăn thịt động vật làm tăng sự phong phú của những vi khuẩn dung nạp với mật và làm giảm các vi khuẩn giúp chuyển hóa các chất từ thực vật.

Và nhờ phản ứng tuyệt vời này của hệ vi khuẩn đường ruột mà các nhà khoa học lý giải được vì sao có những người không ăn mấy, chỉ ăn rau mà vẫn béo. Đó là bởi họ có hệ khuẩn chuyển hóa cenlulô thành glucose rất mạnh, tương tự như hệ vi sinh ở ruột động vật nhai lại (70% năng lượng của động vật ăn cỏ có nguồn gốc từ sự phân hủy polysaccharide thực vật của hệ vi sinh).

Một ví dụ khác là chế độ ăn của người già sống ở viện dưỡng lão sẽ khác với những người cao tuổi sống tự do trong cùng một khu vực. Nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi ở Nhật có chế độ ăn hàm lượng béo thấp, nhiều rau trái sẽ có sức khỏe tốt hơn những người già ăn nhiều chất béo, ít chất xơ.

Một chất có tác động rõ rệt đến hệ vi sinh đường ruột chính là chất làm ngọt nhân tạo. Những chất làm ngọt nhân tạo không sinh năng lượng như saccharin, sucralose, aspartame… đã thúc đẩy sự bất dung nạp đường glucose thông qua việc thay đổi thành phần và chức năng của hệ vi sinh đường ruột… khiến gia tăng tình trạng béo phì. Đó là lý do vì sao uống các loại nước có các chất làm ngọt không năng lượng này vẫn gây tăng cân và không còn được khuyến khích ở các nước châu Âu.

Đáng chú ý, ngay cả việc lười vận động, rối loạn giấc ngủ, stress cũng sẽ làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến tính thấm của ruột.

Do đó, cách duy nhất để duy trì và cân bằng hệ vi sinh đường ruột là phải xác định rõ nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột là do thuốc (kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng axit…), do chế độ ăn uống (dùng sữa công thức, ăn nhiều chất béo, ít chất xơ…), do thiếu vận động, do mất ngủ hay do stress… để từ đó có điều chỉnh phù hợp.

Trần Phương