Những bệnh ung thư thường gặp ở dân châu Á

(Dân trí) - Báo cáo đăng tải trên tạp chí CA mới đây về “Tình hình ung thư của người Mỹ gốc châu Á” của Viện Ung thư Hoa Kỳ cho thấy nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới ung thư ở dân gốc Á là do nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút.

Với 2 nhóm: sinh ra tại Mỹ và nhập cư vào Mỹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy loại ung thư cũng như tỉ lệ mắc các bệnh ung thư là rất khác nhau. Nhóm sống ở Mỹ lâu nhất thường mắc các bệnh ung thư phổ biến nhất như ung thư vú và ung thư ruột kết. Nguy cơ ung thư tăng lên ở những người béo phì, ít hoạt động, nghiện rượu và có chế độ ăn giàu chất béo, ít rau quả. Đặc biệt, tỉ lệ này tăng lên dân gốc châu Á tiếp nhận những thói quen sống kiểu Mỹ.

 

Những người mới nhập cư thì mắc các loại ung thư mà đang là vẫn đề nổi cộm tại quê hương của họ như ung thư dạ dày và ung thư gan. Đây là 2 căn bệnh phổ biến tại các nước đang phát triển, bệnh do tình trạng viêm nhiễm mạn tính với các loại vi khuẩn, vi rút.

 

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tới tỉ lệ nam giới người Mỹ gốc Việt đang mắc bệnh và tử vong do ung thư gan cao gấp 7 lần so với nam giới da trắng; còn tỉ lệ người Mỹ gốc Hàn bị ung thư dạ dày cũng cao 5 - 7 lần so với dân gốc Âu. Những người Mỹ gốc Á khác cũng có tỉ lệ người mắc các bệnh ung thư này khá cao.

 

Vi rút viêm gan B là một trong những bệnh phổ biến ở châu Á và các bệnh viêm nhiễm mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan ở các nước này cũng như những người Á mới nhập cư vào Mỹ.

 

Theo báo cáo, 80% các trường hợp ung thư gan là ở các nước đang phát triển trong đó 55% là người Trung Quốc và nó thường lây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua đường “từ mẹ sang con”. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Cách đơn giản nhất để hạn chế tình trạng lây truyền từ mẹ sang con là tiêm vắc xin phòng bệnh”.

 

Tỉ lệ ung thư dạ dày đứng thứ 2 sau ung thư gan. Thủ phạm chính của căn bệnh này là vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này rất phổ biến ở các nước đang phát triển nhưng thật may là có thể điều trị bằng kháng sinh. “Thói quen ăn các thực phẩm được muối chua cũng được xem là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tỉ lệ ung thư dạ dày của người Hàn Quốc”, các nhà nghiên cứu nhận định.

 

So sánh với các nhóm cư dân gốc Á khác, phụ nữ Trung Quốc có tỉ lệ người mắc và tử vong do ung thư phổi cao hơn cả. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thuyết phục nhưng họ đang thiên về giả thuyết những phụ nữ Trung Quốc này luôn phải sống trong môi trường dày đặc khói tại công sở (”hút thuốc thụ động”), trong gia đình (khói bếp do thói quen chiên xào ở nhiệt độ cao).

 

Tỉ lệ ung thư ở những người Mỹ gốc Nhật cũng không có tỉ lệ không mấy khả quan. Số trường hợp ung thư ruột kết, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vú cao hơn so với các nhóm khác. Béo phì được xem là thủ phạm chính bởi có tới 52,5% nam giới và 28,3% phụ nữ gốc Nhật thừa cân và đa phần trong số này đều rất lười hoạt động.

   

"Tôi rất ngạc nghiên về tính đa dạng của các căn bệnh ung thư mà các cư dân Mỹ gốc châu Á mắc phải. Rõ ràng là có sự liên quan giữa căn bệnh ung thư với tình trạng viêm nhiễm, chứ không hẳn là các loại bệnh mạn tính”, chuyên gia dịch tễ học về ung thư Melissa McCracken kết luận.

 

Nhân Hà

Theo IHT