Nho - "Siêu thực phẩm"

Nho được con người dùng làm thực phẩm từ thời cổ đại và được biết tới là loại quả bổ dưỡng, có tác dụng phòng chữa bệnh. Không những thế, nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh trong vỏ và hạt nho đều chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe.

Ăn nho chớ bỏ hạt

 

Trong lớp vỏ mỏng của hạt nho, người ta tìm thấy chất resveratrol có cấu trúc hóa học tương đồng với hoocmon oestrogen ở người. Chúng có tác dụng tốt đối với cholestrol và thành mạch máu trong cơ thể. Điều này giải thích vì sao uống rượu vang đỏ lại có tác dụng tốt cho tim mạch.

 

Trong cao làm từ hạt nho có chứa chất proantho-cyanidin, là chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nhiều bệnh nan y, chống xơ vữa động mạch và quá trình lão hóa sớm. Khả năng loại trừ các gốc tự do của chất này lớn hơn nhiều so với vitamin C và E.

 

Chất proantho-cyanidin đã được thử tác dụng trên tế bào ung thư vú, dạ dày, phổi và bạch cầu ở người, cho kết quả tốt. Các dòng ung thư đều bị ức chế và đẩy mạnh hoạt động của các tế bào khỏe mạnh. Mức độ tác dụng tùy thuộc vào nồng độ sử dụng và thời gian ủ cao hạt nho. Chất này còn phòng được các bệnh do virus gây ra, kháng virus herpes, bại liệt.

 

Hạt nho còn được ép lấy dầu, chứa nhiều axit linoleic, có tác dụng giảm chứng bất lực ở nam giới và hạn chế nguy cơ về bệnh tim mạch nếu dùng hàng ngày. Dầu này còn có khả năng giảm kết vón tiểu cầu (gây máu đông cục, làm tắc nghẽn thành mạch). Ngoài ra, nó còn có tác dụng phòng chống chứng tăng huyết áp (do ăn nhiều muối), hàn gắn vết thương do tiểu đường và béo phì gây ra.

 

Vỏ không phải là bã

 

Trong vỏ quả nho chứa nhiều chất có khả năng kháng khuẩn. Qua phương pháp đồng vị phóng xạ, người ta thấy chất này không bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa nên có thể tuần hoàn khắp cơ thể và cho tác dùng toàn thân rất tốt. Vỏ nho chứa nhiều resveratrol hơn trong thịt quả nho. Chất này có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 7 lần vitamin E. Vì vậy khi ăn nho ta nên ăn cả vỏ.

 

Quả nho giàu dinh dưỡng

 

Cứ 100g thịt quả nho sẽ cho 71 calo, 10-12g đường dễ hấp thụ, 11mg vitamin C (18% nhu cầu hàng ngày). Nếu chỉ nhằm cung cấp sinh tố C từ nho thì mỗi ngày phải ăn khoảng 500g. Thịt quả nho ăn dễ tiêu, giải khát, thông tiểu và lợi mật.

 

Trong quả nho có chứa polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào và các nguyên sinh chất trong cơ thể, chống lại sự hình thành các gốc tự do. Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, làm giảm nếp nhăn, tăng sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các loại virus. Ngoài ra trong quả nho còn chứa nhiều đường gluco và fructose dễ hấp thụ, các vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

 

Nước ép từ quả nho

 

Uống 1 ly nước ép nguyên chất từ quả nho đỏ hay tím sẫm rất tốt cho chức năng tim. Nước ép nho đỏ có ảnh hưởng trực tiếp lên phản ứng đông máu, vừa làm tăng nồng độ các chất kháng oxy hóa và giảm các gốc tự do trong hệ tim mạch.

 

So với nước ép bưởi, cam, cà chua và táo, nước ép nho đỏ có hoạt tính kháng oxy hóa mạnh gấp 3 lần. Người ta phân tích các chất có trong thành phần nước ép này cho thấy nó cũng chứa những hoạt chất được tìm thấy trong trái quất, có hiệu quả phòng tránh các bệnh nhiễm trùng đường tiểu cao.

 

Rượu nho tốt cho tim mạch

 

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, uống một lượng rượu vang vừa phải hàng ngày (1-2 ly) làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim và có tác dụng điều hòa huyết áp ở những người có tiền sử cao huyết áp. Với liều lượng vừa phải, rượu vang có tác dụng làm tăng lượng cholesterol có lợi và giảm lượng cholesterol có hại, nhờ vậy giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

 

Tác dụng thải độc

 

Đặc biệt, nho còn có tác dụng đào thải chất độc trong cơ thể. Nho giúp gan quét đi lượng độc tố có hại trong cơ thể, đồng thời có ích cho quá trình tái tạo máu. Lượng nước, kali cao (có tác dụng lợi tiểu), giàu chất xơ (thúc đẩy quá trình tiêu hóa) làm tăng khả năng thải độc của loại quả giàu dinh dưỡng này.

 

Vì vậy, nếu có điều kiện, mỗi tuần bạn nên ăn nho một lần để làm sạch cơ thể. Nho là loại quả giàu năng lượng nên rất tốt cho trẻ em, thanh thiếu niên, người chơi thể thao, những người cần nhiều năng lượng.

 

Giảm cân và phòng chống sâu răng

 

Nho được coi là thần dược của những người muốn giảm cân. Lượng insulin, chất chuyển hóa đường trong quả nho rất thấp, giúp giảm lượng đường trong cơ thể. Nhờ vậy, sau khi ăn nho, ta ít thấy đói và có thể kiềm chế được cơn thèm ăn vặt.

 

Lâu nay quả nho vẫn bị mang tiếng là kẻ phá hoại răng (do có vị ngọt) song thực chất, thứ quả nhỏ bé này sở hữu 5 hợp chất đặc biệt có khả năng diệt khuẩn gây sâu răng và các bệnh về nướu lợi. Ngoài ra, quả nho chứa đường fructose và glucose, chứ không phải đường sucrose gây bệnh.

 

Không nên uống thuốc với nước nho

 

Thức ăn bạn dùng có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động của thuốc trong cơ thể. Một trong những sự kết hợp nguy hiểm nhất là uống thuốc với nước nho, loại nước được nhiều người ưa chuộng. Nước nho ảnh hưởng tới sự sản xuất men gan tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc, làm thay đổi nồng độ thuốc trong máu.

 

Theo các chuyên gia dược phẩm, khi dùng thuốc với nước nho, nồng độ trong máu của một số thuốc tăng lên so với tính toán, trong khi một số thuốc khác lại bị giảm thấp hơn so với yêu cầu. Phần lớn các dược phẩm đều chịu ảnh hưởng của nước nho, trong số này có: Thuốc kháng histamin để chống dị ứng, cảm cúm; thuốc an thần nhóm benzodiazeptine; thuốc chẹn kênh canxi để điều trị cao huyết áp; các thuốc nhóm statin để giảm cholesterol trong máu. Một số nghiên cứu cho thấy phản ứng cũng xuất hiện với các thuốc viagra, singulair và aircept.

 

Theo Quốc tế thị trường & Tiêu dùng