1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Nhiều trường học “tay không” “bắt” cúm

(Dân trí) - Chiều qua, Hà Nội đã có trường học đầu tiên có học sinh nhiễm cúm. Trước đó, tại TPHCM, 2 “bệnh viện dã chiến” đã được lập khi virus H1N1 tấn công 2 trường học. Vậy mà công tác phòng chống cúm tại các “ổ bùng phát” này lại đang bị bỏ ngỏ.

Hiếm trường chủ động chống cúm…

 

Hiện nay, đa phần các trường học trên địa bàn TPHCM đều có phòng y tế học đường và nhân viên y tế. Đứng trước nguy cơ dịch cúm A/H1N1 tấn công, nhiều trường đã chủ động đối phó với dịch bằng việc thành lập “Ban chỉ đạo chống cúm A/H1N1”, tập huấn cho cán bộ y tế, giáo viên, nhân viên… Ngoài ra còn đầu tư trang thiết bị y tế như khẩu trang, thuốc khử khuẩn, máy đo thân nhiệt… 

 

Tuy nhiên, con số những trường làm tốt công tác phòng chống dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó hầu hết là những trường tư thục, dân lập và trường quốc tế.

 

Trường THPT tư thục Hữu Hậu (75 Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình) khá chủ động đối phó với dịch cúm A/H1N1. Để chia sẻ mối lo của phụ huynh về những diễn biến phức tạp của dịch cúm trong các trường nội trú, hội đồng giáo dục trường Hữu Hậu đã thành lập Ban y tế phòng chống cúm A/H1N1. Theo đó, một phòng y tế tại trường sẽ tiến hành kiểm tra khám sức khỏe cho từng em trước khi nhập học, bác sỹ sẽ chăm sóc theo dõi thường trực sức khỏe học sinh suốt năm học.
 
Nhiều trường học “tay không” “bắt” cúm - 1

Chỉ cô giáo "biết" đeo khẩu trang!



 

Trường Quốc tế Á Châu (trụ sở Cao Thắng quận 3) ngoài việc phát tờ rơi cho phụ huynh học sinh, nhà trường còn trực tiếp kiểm tra sức khỏe cho học sinh trước khi vào lớp. Ngay giữa lối đi vào trường, cán bộ y tế túc trực đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

 

Trường THPT Võ Thị Sáu (có trụ sở trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh) có số lượng học sinh đi học thêm trong dịp hè ở trường khá đông nên mọi thông tin về dịch cúm đến với học sinh, phụ huynh rất nhanh. 

 

Thầy Ngô  Huynh - hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu - cho biết, nhà trường đã có 2 cuộc gặp gỡ với cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh để tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp chống dịch. Thầy và trò của trường đang chuẩn bị một cách chu đáo để sẵn sàng “nghênh đón” và “đối đầu” với loại vi rút cúm A/H1N1. 

 

Còn hiệu trưởng trường cấp 2, 3 Diên Hồng (số 11, Thành Thái, P.14, Q.10), thầy Lương Ngọc Duy, trao đổi: Ngay khi có chỉ đạo của Sở Giáo dục, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 do thầy hiệu phó làm trưởng ban. Các đoàn hội, giám thị, y tế là người đi đầu và gương mẫu trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh đến với giáo viên và từng học sinh. 

 

… nhưng “tay không” “bắt” cúm thì nhiều

 

Trên địa bàn quận 9 TPHCM, do lo sợ “ổ cúm” Ngô Thời Nhiệm lan rộng nên tất cả các trường học đã tạm thời đóng cửa. 

 

Tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) hiện có 450 học sinh đang học hè, chiếm 20% tổng số học sinh của trường. Nhà trường đã triển khai nhiều công tác phòng chống dịch cho học sinh như: cấp phát khẩu trang, mua xà bông rửa tay, nước sát khuẩn, dung dịch tẩy rửa, tiến hành khử khuẩn tại nhà vệ sinh và những nơi hội họp…

 

Tuy nhiên, trường hiện chỉ có một nhân viên y tế làm việc theo hợp đồng. Những dụng cụ và trang thiết bị cần thiết cho công tác chống cúm, đặc biệt là thuốc, hiện vẫn chưa được trang bị. 

 

Thầy  Lâm Triều Nghi - hiệu trưởng trường - tỏ ra khá lo lắng trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh. Thầy cho biết: “Kể từ khi thành lập thì đây là lần đầu tiên nhà trường phải đối mặt với một trận dịch lớn có nguy cơ xâm nhập vào. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong phòng chống nên đang rất bị động… Bản thân tôi đang lo ngay ngáy vì sợ dịch bùng phát tại trường.

 

Ngày nào tôi cũng theo dõi sát diễn biến của dịch cúm. Những thông tin mà tôi in ra để phổ biến cho các em học sinh chỉ là những hiểu biết ban đầu của bản thân”.

 

Nhà trường đã liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng của quận để xin tờ rơi phát cho học sinh đang đi học tại trường, qua đó có thể phổ biến công tác phòng chống dịch tới những học sinh không trực tiếp đến lớp mà tự học hè ở nhà. Nhưng hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức đã không còn tờ rơi. Việc mua khẩu trang để trang bị cho giáo viên và học sinh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường khẩu trang y tế trên địa bàn thành phố đã trở nên khan hiếm trong mấy ngày vừa qua.

 

Khi nói về những kiến nghị của mình, thầy Nghi cho biết: “Nhà nước cần tăng cường thời lượng phát sóng về những diễn biến của dịch và truyền đạt công tác phòng chống cho người dân. Các Sở Y tế cũng phải in gấp tờ rơi để kịp thời đáp ứng cho các trường học và công sở. Chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng cho nhân viên y tế của mình đi tập huấn và tăng cường thêm người để đảm bảo an toàn tối thiểu cho học sinh và thầy cô trong trường để tránh nguy cơ phải đóng cửa các lớp học vì cúm”. 

 

Trong khi đó, ở trường THCS Công lập Tân Bình (số 873, Cách Mạng Tháng Tám, P.7, Q.Tân Bình), công tác phòng chống dịch cúm cũng khá ảm đạm. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Huỳnh Huyền, cho biết, cũng như mọi năm, nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng học khang trang hơn để đón các em học sinh vào ngày tựu trường. Dù cúm hay không có cúm A/H1N1 thì nhà trường cũng đã hướng dẫn, phổ biến cho thầy cô, học sinh cách vệ sinh, phòng bệnh rồi. 

 

Theo thầy Huyền, do là trường công lập, không nội trú, học sinh đa phần ở thành phố chứ không ở tỉnh nơi có nhiều “ổ dịch” nên khả năng nhiễm cúm thấp. Đến ngày khai giảng, nếu khi tập trung học sinh mà phát hiện em nào có triệu chứng mới cách ly. 

 

Trường THCS Hoàng Văn Thụ (322 Nguyễn Tri Phương, P.4, Q.10) ngày 29/7 mới đây có tổ chức buổi họp hội đồng sư phạm để triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới, nhưng trong buổi họp này không hề đề cập đến tình hình phòng chống dịch cúm đang lan rộng cũng như triển khai công tác phòng bệnh cho 2.300 học sinh của trường.
 
Nhiều trường học “tay không” “bắt” cúm - 2
Ngày tựu trường đang đến gần nhưng nhiều trường vẫn rất thờ ơ với đại dịch cúm.

 

Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ là thầy Trần Diệu Tôn lý giải: “Chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo triển khai phòng chống cúm nào cả. Về mặt y tế, vệ sinh phòng dịch thì năm nào cũng có kế hoạch mà”. 

 

Hiện nhiều trường ở TPHCM đều có cán bộ y tế chăm lo y tế học đường. Cũng có trường, thầy cô giáo được tập huấn về kiến thức y tế để “kiêm” việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, trong giai đoạn cao trào của dịch cúm A/H1N1, liệu rằng, những cán bộ y tế (phần lớn mỗi trường chỉ có 1 người) có đáp ứng được công tác phòng-chống cúm. Hơn nữa, nhiều trường cho biết không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về công cụ y tế như khẩu trang, bao tay, thuốc kháng sinh… “Chúng tôi đang tay không chống cúm”, một cán bộ y tế học đường than. 

 

Đa phần các trường vẫn “triển khai” cái gọi là “phương án chống dịch” một cách “cũ rích” tức là áp dụng “mô hình” kiểm tra sức khỏe, giữ gìn vệ sinh như những năm trước hoặc chờ khi khai giảng năm học mới tuyên truyền, phổ biến.

 

Một vị phụ huynh ở quận Bình Thạnh lo lắng: “Giờ không ngăn chặn từ đầu, đợi khi các em tập trung đông, lỡ đâu 1 em cúm lây lan cả trường thì sao? Sắp khai giảng rồi, tôi rất lo cho tình trạng sức khỏe của con tôi”.

 

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TPHCM cho biết: Thầy cô giáo đã được tập huấn kiến thức về y tế nên có thể tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Mỗi trường đều có nhân viên y tế phụ trách khâu quan sát, giám sát để cung cấp thông tin cho ngành y tế. Lãnh đạo các trường và Ban giám đốc các Sở/Phòng Y tế đã ký thỏa ước giám sát y tế cho các trường. “Tôi cho rằng, các trường ở TPHCM đã được đầu tư bài bản về khâu y tế. Những nhân viên y tế cũng gần đủ. Những trường không có nhân viên y tế thì có thầy cô kiêm nhiệm. Đừng đòi hỏi bác sĩ đến trường học. Ngay cả các bệnh viện còn thiếu bác sĩ thì làm sao có bác sĩ để mà cung ứng cho các trường”.

 

Công Quang - Vân Sơn