Nhiều thai phụ thích được mổ đẻ!

(Dân trí) - “Khi đã hạ quyết tâm cho con ra “tắt”, họ nghĩ ra 1001 lý do để ép bác sĩ. Có người la toáng lên là đau, thở hổn hển như cạn sức, “dọa” bác sĩ rằng khó khăn lắm họ mới có con, nếu xảy ra mệnh hệ gì…khiến nhiều bác sĩ cũng đành “gật”.

Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, tại Việt Nam đang có xu hướng thích mổ đẻ hơn là đẻ thường. Số liệu trong 5 năm trở lại đây cho thấy số ca mổ đẻ tăng 15% mỗi năm. Năm 2002 tổng số ca mổ đẻ tại Viện là 8.101 ca thì đến năm 2007 đã tăng lên 14.198 ca.

Còn riêng 6 tháng đầu năm 2008, tại Viện đã có 7.195 ca mổ đẻ, trong khi chỉ có khoảng 11.000 ca đẻ thường. Ngoài những sản phụ buộc phải mổ do có bệnh lý, đẻ khó, thì không ít người tìm mọi cách để được đẻ mổ vì muốn chọn “giờ vàng” hoặc với suy nghĩ sinh mổ đứa trẻ sau này sẽ thông minh hơn sinh thường.

1001 lý do để… xin mổ

Đáng nói, rất nhiều bà mẹ yêu cầu mổ lấy thai dù thai nhi vẫn phát triển bình thường (khác với các trường hợp mổ can thiệp trước hoặc trong khi chuyển dạ để tránh tai biến khi sinh). Nhiều người khi không được các bác sĩ viện công chấp nhận đẻ mổ vì hoàn toàn có khả năng sinh thường thì sẵn sàng bỏ ra viện tư để được như ý.

“Khi đã hạ quyết tâm cho con ra “tắt”, họ nghĩ ra 1001 lý do để ép bác sĩ. Như nhiều người la toáng lên là đau, thở hổn hển, nói thều thào như cạn sức, “dọa” bác sĩ là họ khó có con, bao năm trông đợi mới có được, nếu xảy ra mệnh hệ gì, bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm… nên nhiều bác sĩ đã thoả mãn nhu cầu của người sinh để đảm bảo sự an toàn cho chính mình”, BS Trần Danh Cường, Phó TT Chẩn đoán trước sinh, viện Phụ sản T.Ư nói.

Trào lưu mổ đẻ hiện không chỉ gặp ở những gia đình khá giả, con cháu “ông to” mà nó trở thành phong trào của rất nhiều bà mẹ. Thậm chí tâm lý thích mổ đẻ còn lan đến tận các vùng quê.

Chị B.T.L năm nay mới 32 tuổi (Vĩnh Phúc) nhưng đang mang thai đứa con thứ 4 trong bụng. Hai vợ chồng chị làm nông, 3 đứa con gái đầu trứng gà, trứng vịt nên kinh tế gia đình chẳng khá giả gì. Nhưng “cố” mãi mới được thằng cu mót nên ông bà nội và bố cu Tí nhất định không cho con “chui” qua chỗ ấy kẻo nó bớt thông minh, sau này cả nhà mất nhờ. Chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp xóm được dăm triệu bạc, cả nhà đưa chị lên viện tỉnh khi thai mới được gần 9 tháng, rồi nói dối bác sĩ dạo này chị rất hay bị ngất, hơn nữa lại là đứa con cầu tự của cả nhà nên xin bác sĩ mổ cho cháu ra nhỡ có mệnh hệ thì cả nhà sẽ theo cháu.

“Cao tay” hơn, nhiều người trước khi đến viện đẻ đã có sự tư vấn của một bác sĩ, hay người nhà làm ngành y nên dễ dàng “diễn” trước bác sĩ mà không bị lộ. Vì thế, dù việc mổ không có chỉ định luôn bị phản đối, nhưng hầu hết những sản phụ đã hạ quyết tâm bằng mọi giá sinh mổ đều đạt được mục đích.

Chị H. (Văn Quán, Hà Đông) sinh con đầu lòng do cạn nước ối phải mổ cấp cứu. Thế nhưng, khi họ hàng ở quê ra thăm, thấy chị mổ đẻ, ai cũng… mừng, rồi còn hồ hởi, mổ đẻ cũng được, mẹ chịu vất tí nhưng con nó thông minh!?

Và hệ luỵ

Theo TS Tiến, xét về khía cạnh y học, những cuộc vượt cạn sớm, mổ không có chỉ định đều có ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ của những đứa trẻ sinh ra, như dễ bị nhiễm khuẩn khi hút dịch trong phổi, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Vì khi mổ chọn giờ, nêu cơn co tử cung chưa có, cổ tử cung chưa mở, chưa chuyển dạ thì cuộc mổ rất khó khăn. Hơn nữa, cổ tử cung chưa mở còn gây bế sản dịch trong thời kì hậu sản, là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng. Đó là chưa kể có tới 95% số sản phụ mổ ở lần đầu sinh con đã phải lặp lại điều này ở lần sinh con thứ hai.

Nhiều người vì sợ đau mà mổ đẻ cũng rất sai lầm. Vì tuy không đau khi sinh nở, nhưng sau mổ đẻ, người mẹ phải chịu đau đớn tại vết mổ, cử động khó khăn hơn nhiều so với sinh thường. Ngoài nguy cơ có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo, vỡ tử cung trong khi mang thai, trong khi chuyển dạ đẻ.… người mẹ sinh mổ phải uống kháng sinh nên lượng sữa về cũng chậm hơn, trẻ không có cơ hội bú sữa non sẽ kém khoẻ mạnh hơn các trẻ khác.

Vì nếu được sinh thường, khi qua âm hộ, lồng ngực của đứa trẻ được đè ép, đẩy hết nước ối ứ đọng trong đường hô hấp của đứa trẻ ra ngoài. Còn nếu mổ lấy thai, đứa trẻ cứ vậy được nhấc lên ra khỏ bụng mẹ, nên nhiều trường hợp sẽ bị ứ đọng nước ối trong lồng ngực trẻ, khiến trẻ hay mắc bệnh hô hấp.

Nghiêm trọng hơn, nếu đã mổ lần đầu, ở lần mang thai lần tiếp theo sẽ tăng nguy cơ thai chết lưu. Theo TS Tiến, trong lần mổ lấy thai đầu tiên, tử cung sẽ bị sẹo, không may thai tiếp sau làm tổ đúng vết sẹo sẽ khiến việc tưới máu cho thai không đảm bảo, đồng thời việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng khó khăn hơn so với việc thai làm tổ ở vị trí tử cung lành.

Vì thế, các sản phụ cần cân nhắc kỹ trước khi “đòi” bác sĩ mổ đẻ vì cái gì diễn ra tự nhiên cũng tốt hơn can thiệp. Mổ đẻ, cả trước mắt và lâu dài đều không tốt cho cả người mẹ và thai nhi.

Tú Linh