Nhiều bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện

(Dân trí) - “Có bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải chuyển lên tuyến trung ương. Nhưng cán bộ y tế tuyến dưới chưa biết về kỹ năng đặt nội khí quản để hồi sức hô hấp. Cuối cùng, khi đến bệnh viện, bệnh nhi này đã tử vong”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ chia sẻ tại hội Hội nghị cấp cứu hồi sức nhi khoa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội sáng nay (27/3).

Nhiều bệnh nhân không được sơ cứu trên đường chuyển viện

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trải qua rất nhiều năm, tỉ lệ tử vong trong 24h đầu nhập viện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh vẫn rất cao, hầu như không có sự thay đổi. Nhiều bệnh nhân phải chuyển viện nhưng không hề được cấp cứu trong suốt quá trình di chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Điều này cho thấy, công tác cấp cứu ban đầu và hệ thống chuyển viện còn nhiều bất cập. Nhiều cán bộ y tế chưa biết kỹ năng cấp cứu.
 
Nhiều bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện - 1
Được cấp cứu, chăm sóc ban đầu tốt, bệnh nhân sẽ có cơ hội
điều trị hiệu quả hơn khi tới viện. (Ảnh: H.Hải)

Theo thống kê, mỗi tháng bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi cấp cứu. Điều đáng buồn là khoảng 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu sai của y tế tuyến cơ sở và cả người dân trong quá trình cấp cứu và vận chuyển bệnh nhi lên tuyến trung ương. Trong đó, số ca tử vong đáng tiếc gặp nhiều nhất ở bệnh nhi bị suy hô hấp, chủ yếu là trẻ sơ sinh.

TS Liêm đưa ra ví dụ, như với kỹ thuật đặt nội khí quản là vô cùng quan trọng để hồi sức hô hấp cho bệnh nhi. Thế nhưng, vì nhiều cán bộ y tế tuyến dưới không biết kỹ năng này, nên dù bệnh nhi đang khó thở, suy hô hấp vẫn được đưa lên xe chuyển viện. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Đó là lý do khiến số ca tử vong gặp nhiều nhất là ở bệnh nhi suy hô hấp.

Về vấn đề sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân, thạc sĩ Đỗ Danh Quỳnh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BV Việt Đức) từng chia sẻ với phóng viên Dân trí, có nhiều người bị tai nạn nhưng do không được sơ cứu đúng cách, nên khi đến viện, tình trạng chấn thương đã trở nên rất trầm trọng, nguy cơ tử vong cao.

Có bệnh nhân bị tai nạn lao động, rách vùng rộng ở ổ bụng khiến ruột bị thòi ra ngoài, bệnh nhân này được chuyển đến viện trong tình trạng không hề được sơ cứu, vẫn “lộ thiên” cả vùng ổ bụng đầy máu và thấy cả ruột thòi ra ngoài. Nếu bệnh nhân này được băng nhẹ quanh bụng bằng tấm gạc lớn, mềm thì sẽ cố định được vết thương, làm cho đỡ chảy máu, tình trạng bệnh nhân sẽ tốt hơn.

Giảm nguy cơ tử vong nhờ cấp cứu ban đầu

Đó là khẳng định của tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ tại hội nghị sáng nay. Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong dưới 24 giờ, đặc biệt là trẻ sơ sinh vẫn còn rất cao.

Trong đó, quan trọng nhất phải nói đến vấn đề nhân lực, vật lực ở tuyến cơ sở. Công tác đào tạo nhân lực làm công tác cấp cứu chưa được đầu tư đúng mức chính là lý do khiến nhiều cán bộ y tế thiếu kỹ năng và kiến thức đế tiến hành hồi sức cấp cứu cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu.

Nguyên nhân thứ hai là do việc vận chuyển không an toàn. Tiêu chí để vận chuyển an toàn là ổn định tình trạng bệnh nhi trước khi chuyển, liên lạc với nơi định chuyển, trang thiết bị đầy đủ, cán bộ y tế có kiến thức, kỹ năng cấp cứu ngay trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, những điều này còn rất khó để đạt được đầy đủ trong giai đoạn hiện nay. Vì thế mà tỷ lệ bệnh nhi tử vong trước hoặc trên đường chuyển viện vẫn không suy giảm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, vì nhận thức được rằng, việc cấp cứu nhi ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ tử vong khi nhập viện nên BV Nhi TƯ đã  thành lập một đơn vị huấn luyện kỹ năng cấp cứu. Trong thời gian qua, viện Nhi đã tổ chức các lớp tập huấn tại 15 bệnh viện tỉnh để cung cấp những kỹ năng cơ bản nhất trong việc cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân.

Trong thời gian tới, BV Nhi TƯ sẽ tiếp tục duy trì các lớp tập huấn kỹ năng để giúp cán bộ, nhân viên y tế nắm được những kỹ năng qua trọng này. Đây là yếu tố tiên quyết để góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu ban đầu, giảm tỉ lệ tử vong khi chuyển, nhập viện. Tuy nhiên, vần đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không thể thực hiện một sớm một chiều, mà đòi hỏi có sự tham gia cả xã hội, góp phần nâng cao chất lượng của công tác hồi sức cấp cứu.

Ngọc Linh