Nhiều ẩn họa từ phụ gia thực phẩm “trôi nổi”

(Dân trí) - Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng để tạo mùi, vị, mầu sắc thực phẩm hấp dẫn, và giúp bảo quản thực phẩm được dài ngày hơn; tuy nhiên, việc sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc có thể gây nguy cơ ung thư, thậm chí tử vong…

Theo kết quả kiểm tra sơ lược tình hình kinh doanh phụ gia thực phẩm (PGTP) tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ Kim Biên (TPHCM) do Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (Bộ Y tế) tiến hành năm 2013 cho thấy 31% trong số 608 mẫu PGTP được kiểm tra không đảm bảo tiêu chuẩn.

Nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán phổ biến trên thị trường (Ảnh minh họa)
Nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán phổ biến trên thị trường (Ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, không có sạp chuyên bán PGTP mà PGTP được bán kèm với các hàng khô khác, không có nguồn gốc rõ ràng, thường được để vào can lớn hoặc bao tải to khi khách mua lẻ thì mới lấy ra, không có hướng dẫn rõ ràng. Trong khi đó, ở TPHCM sản phẩm phong phú hơn, PGTP được bán lẫn lộn với phụ gia công nghiệp, có nhiều sản phẩm nguồn gốc từ Trung Quốc; 100% phẩm màu không có nhãn mác, một số mẫu kiểm nghiệm không phát hiện ra chất gì.

“Có tới 45,5% chất tạo ngọt được kiểm tra không đảm bảo tiêu chuẩn. Tỷ lệ này là 37,3% với chất chống ôxy hóa, 33,3% với chất tạo xốp và 23,3% với chất điều vị”, bà Vũ Thị Trang, Phó trưởng Khoa Chất lượng Phụ gia và Chất hỗ trợ Chế biến Thực phẩm, Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc Gia cho biết tại buổi Họp báo về Triển lãm nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại khu vực châu Á - Food Ingredients Asia ( Fi Asia) diễn ra sáng 9/9 tại Hà Nội.

Nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán phổ biến trên thị trường (Ảnh minh họa)
Bà Vũ Thị Trang, Phó trưởng Khoa Chất lượng Phụ gia và Chất hỗ trợ Chế biến Thực phẩm, Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc Gia (Ảnh: T.N)

Theo bà Trang, việc kiểm soát sử dụng PGTP ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do nhiều khi cả người bán và người mua không ý thực được phụ gia họ dùng là nằm ngoài danh mục; hoặc có người biết nhưng vẫn sử dụng bừa bãi vì phụ gia công nghiệp rất rẻ, đem lại lợi nhuận cao.

Khó kiểm soát…

Trong những năm gần đây, nhiều lần dư luận xôn xao khi các cơ quan chức năng phát hiện một số PGTP ngoài danh mục được sử dụng trong thực phẩm như phẩm màu Rhodamin B trong ớt bột và hạt dưa trong giai đoạn 2009-2010.
 
Đây là chất đánh dấu dùng để kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trên cây trồng nên thông thường hàm lượng chất này tồn dư trên sản phẩm nông nghiệp với tỷ lệ rất ít. Đây là phụ gia công nghiệp, giá rất rẻ nên được nhiều người sử dụng trái phép để nhuộm màu thực phẩm.
 
Trên thế giới đã xếp chất này vào loại chất độc do có thể gây kích thích đường tiêu hóa, gây nôn mửa, gây kích ứng cho da, mắt và hệ hô hấp. Nếu dùng liều cao có thể gây độc ở gan và thận, có nguy cơ gây ung thư và thậm chí là tử vong khi khảo sát trên chuột. Gần đây, sản phẩm hạt dưa không còn bán phổ biến trên thị trường nữa.

Kết quả giám sát năm 2012, 2013 cho thấy 100% mẫu cốm nhiễm malachite green (Ảnh minh họa)
Kết quả giám sát năm 2012, 2013 cho thấy 100% mẫu cốm không nhiễm malachite green (Ảnh minh họa)

Trong năm 2011, các cơ quan chức năng phát hiện chất malachite green, một chất tạo màu xanh cho cốm bởi cả người bán và người mua đều không ý thực được rằng đây là chất cấm. Các chủ sạp hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) chỉ biết đây là chất tạo màu xanh mà không hề biết rằng thực chất đây là một loại kháng sinh và bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
 
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới chỉ kiểm tra chất này trong lĩnh vực thủy sản thì ở Việt Nam lại tìm thấy chất này trong thực phẩm. Chất này có khả năng gây ung thư khi thí nghiệm trên chuột nên bị cấm sử dụng, kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng tại nhiều nước trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã cấm sử dụng chất này trong lĩnh vực thủy sản.

Cũng trong năm 2011, Việt Nam tìm thấy chất DEHP trong một số loại nước hoa quả và thạch rau câu vì chất này giúp tạo độ nhớt và độ đục cho sản phẩm. Đây là phụ gia công nghiệp được sử dụng trong công nghiệp nhựa và chất dẻo và bị sử dụng trái phép trong thực phẩm. Chất này có thể gây ngộ độc cấp tính, có thể gây tử vong tại chỗ khi thí nghiệm trên chuột, làm suy giảm sự phát triển bộ phận sinh dục nam. Chất này cũng bị cấm sử dụng trong sản xuất đồ chơi trẻ em nhưng vẫn phát hiện thấy trong đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc.

Năm 2013, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện chất Tinopal trong bún. Tinopal thường được dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải sợi, nhựa, sơn, mực in hay mỹ phẩm hoặc để tẩy trắng sản phẩm và không được sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm dưới bất kỳ dạng nào. Chất này gât tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, có thể gây viêm loét ruột, dạ dày; gây rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và có nguy cơ bị ung thư khi thí nghiệm trên chuột.

Ngoài ra, hàn the, chất cấm sử dụng trong thực phẩm từ thập niêm 70, cũng được phát hiện trong một số sản phẩm như giò, chả,… vì chất này giúp tạo độ giòn, dai, giữ màu và bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Hàn the có nhiều tác hại đối với sức khỏe con người như gây ảnh hưởng tới tiêu hóa, hấp thu, chuyển hoá, ảnh hưởng không tốt tới chức năng thận với biểu hiện ăn mất ngon, giảm cân, tiêu chảy, động kinh, suy thận. Nếu ăn qua đường tiêu hóa có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, chuột rút vùng bụng, ban đỏ da và màng niêm dịch, sốc trụy tim mạch, nhịp tim nhanh, hoang tưởng, co giật, hôn mê; thậm chí gây tử vong đối với trẻ em.

Các cơ quan chức năng cũng phát hiện chất Formaldehyde, một chất có tác dụng diệt khuẩn và bảo quản, được dùng để tạo độ giòn, dai cho giò, chả, bún, phở... Chất này có thể gây kích thích niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng thì gây kích thích đường hô hấp trên; tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao sẽ dẫn đến tử vong.

Việc sử dụng phẩm màu kiềm cũng khó kiểm soát ở nước ta. Trong 3 loại phẩm màu kiềm PM có tính kiềm, PM có tính acid, PM trung tính thì PM kiềm rất độc với sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chất này có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính, dị ứng, đột biến gen và ung thư, có thể dẫn đến tử vong.

Các sản phẩm hạt dưa không còn bán phổ biến trên thị trường gần đây (Ảnh minh họa)
Các sản phẩm hạt dưa không còn bán phổ biến trên thị trường gần đây (Ảnh minh họa)

Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng hàn the, Formaldehyde và phẩm màu kiềm năm 2013 tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy tỷ lệ sử dụng các loại chất này vẫn còn khá cao. Điển hình là tỉnh Ninh Bình có tỷ lệ sử dụng Formol lên tới hơn 50%, tiếp đó là tình Hà Nam và Hà Nội với khoảng 40%. Tỉnh Hà Nam có tỷ lệ sử dụng phẩm màu cao nhất là hơn 40%, tiếp đó là Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương và Nam Định là 30%.

“Nhiều người biết là chất cấm nhưng vẫn sử dụng trong thực phẩm vì hám lợi. Để đảm bảo ATVSTP và sức khỏe của người tiêu dùng nên sử dụng các PGTP có trong danh mục cho phép, sử dụng phụ gia có nguồn gốc tự nhiên và dùng đúng sản phẩm và liều lượng cho phép”, bà Trang khuyến cáo.

Sẽ phạt nặng

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục ATTP (Bộ Y tế), hiện nay Bộ Y tế đã công bố 23 nhóm PGTP với hơn 400 chất có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, đi kèm với hướng dẫn về liều lượng và loại thực phẩm phù hợp. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

“Các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng với cá nhân và 60-80 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP ngoài danh mục. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng với cá nhân và từ 80-100 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP không rõ nguồn gốc. Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng với cá nhân và từ 100-120 triệu đồng với tổ chức sử dụng PGTP độc hại”, ông Nhiên cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng, các công ty sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm ở Việt Nam nên tham gia những hội chợ triển làm như Triển lãm nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại khu vực châu Á - Food Ingredients Asia (Fi Asia), dự kiến diễn ra từ ngày 15-17/10 tại Jakarta (Indonesia), để học hỏi kinh nghiệm và cập nhật những công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại trên thế giới nhằm phát triển ngành chế biến thực phẩm trong nước.

Nguyên An