Nhiễm rubella: Làm thế nào để đừng phá thai oan?

Hàng ngàn thai phụ nhiễm rubella đã phải bỏ thai sau tư vấn của bác sĩ, trong khi chỉ có khoảng 16,5% mang vi-rút rubella thực sự (trẻ ra đời có khả năng mắc hội chứng rubella bẩm sinh) là một thực tế đau xót. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng sẽ cùng chia sẻ về vấn đề này

Để hiểu rõ các chỉ số xét nghiệm huyết thanh nói lên điều gì, làm thế nào để hạn chế tối đa phá thai nhầm…, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, chủ tịch hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết:

 

Tại TPHCM, cũng xảy ra tình trạng bác sĩ hiểu không rõ và tư vấn sai cho thai phụ phá thai. Một cô gái trẻ vừa đến nhờ tôi tư vấn để có thai lại. Trước đó, cô bị sốt khi thai được sáu tuần, xét nghiệm rubella kết quả IgM âm tính (-), IgG dương tính (+). Xét nghiệm lại lần 2, IgM cũng (-), IgG (+), bác sĩ chỉ định nạo thai và… đã nạo luôn rồi. Đó là nạo oan. Vì hai lần IgM (-), IgG (+) chứng tỏ đã có kháng thể chống lại rubella từ lâu. Tôi cũng xin lưu ý: nếu thai 6 tuần, IgM (-), IgG (+) không có chỉ định nạo thai.

 

Nhưng thưa bác sĩ, hiện nay hầu hết các thai phụ nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ – tức thai dưới 12 tuần tuổi, các bác sĩ đều tư vấn bỏ thai vì lý do nguy cơ trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh rất cao?

 

Trong trường hợp nhiễm cấp: xét nghiệm IgM (+) tức đã nhiễm một tuần rồi; IgG nếu (-) là nhiễm chưa tới ba tuần, nếu IgG (+) là đã nhiễm ba tuần. Mẹ mang thai dưới 12 tuần tuổi mà IgM (+) thì có khả năng là thai bị nhiễm hoặc không bị nhiễm. Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn này là 80%. Mà thai dưới 12 tuần tuổi hiện chưa có phương pháp nào để khẳng định đứa bé nào thuộc nhóm 80% bị nhiễm, đứa bé nào thuộc nhóm 20% không bị nhiễm, nên nếu tư vấn bỏ thai có thể nhầm 20%. Mẹ nhiễm rubella lây truyền cho thai trong giai đoạn này thì nguy cơ trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) rất cao , trẻ sinh ra có thể bị các dị tật, điếc, mù…làm khổ cho bản thân trẻ và khổ cả gia đình, nên đành phải chấp nhận bỏ thai – trong đó có cả 20% bỏ oan.

 

Với các trường hợp tái nhiễm: sản phụ đã có kháng thể (đã chủng ngừa hay đã mắc bệnh trước khi có thai) vẫn có thể bị tái nhiễm, đã có IgG (+) mà IgG (+) tăng gấp bốn lần thì gọi là tái nhiễm. Mà tái nhiễm thì không ảnh hưởng đến thai. Với phụ nữ bị nhiễm rubella vào quanh thời điểm thụ thai (khoảng một tuần sau khi rụng trứng), chưa ghi nhận trường hợp nào bị CRS. Và cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị CRS khi sản phụ vô tình chủng ngừa rubella khi đã có thai (mà chưa biết).

 

Trường hợp mẹ nhiễm khi thai từ 12 – 17 tuần tuổi, một số bác sĩ cho rằng khả năng ảnh hưởng trên thai khoảng 50%, tốt nhất nên ngừng thai nghén. Chính từ khuyến cáo này nên số bỏ thai nhầm quá lớn.

 

Ở đây chúng ta cần phân biệt: nguy cơ lây truyền từ mẹ sang thai khác với nguy cơ bị hội chứng rubella bẩm sinh ở thai nhi. Theo hướng dẫn thực hành lâm sàng của hội Sản phụ khoa Canada về rubella và thai kỳ – đang được nhiều nước áp dụng. Tỷ lệ này như bảng (1) và bảng (2).

 

 

Chứng tỏ trong ba tháng đầu thai kỳ mẹ nhiễm rubella nguy cơ lây truyền từ mẹ sang thai là 80%, nhưng nếu ở thời điểm thai 11 – 12 tuần thì nguy cơ mắc CRS ở trẻ đã giảm còn 33%. Tỷ lệ trẻ có nguy cơ CRS chỉ là 11 – 24% khi thai 13 – 16 tuần. Trên 16 tuần là 0%.

 

Do đó, rõ ràng việc tư vấn xử trí phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định thời điểm nhiễm bệnh. Vấn đề khó khăn là khó chẩn đoán chính xác là mẹ chắc chắn bị nhiễm rubella và thời điểm nhiễm là lúc nào. Phương pháp chẩn đoán thai bị nhiễm được xem là tốt nhất hiện nay đó là xét nghiệm PCR trên mẫu sinh thiết gai nhau (do có thể thực hiện sớm hơn so với lấy mẫu từ chọc dò ối).

 

Việc chọc ối để xét nghiệm có nguy hiểm, ảnh hưởng đến thai không? Tại TP.HCM cơ sở y tế nào đủ điều kiện làm kỹ thuật này?

 

Việc sinh thiết gai nhau và chọc ối có thể có nguy cơ trên thai nhi (sẩy thai). Tuy nhiên, nguy cơ không cao. Kỹ thuật xét nghiệm PCR để phát hiện rubella trên mẫu sinh thiết gai nhau và nước ối và thì rất ít bệnh viện thực hiện. Một số đơn vị tại TP.HCM như bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện đại học Y dược, bệnh viện An Sinh… đã triển khai kỹ thuật này.

 

Xét nghiệm PCR biết được thai bị nhiễm, nhưng bị nhiễm cũng chưa chắc chắn sẽ bị dị tật (vì không phải dị tật 100%). Vấn đề này theo tôi chưa được nghiên cứu đầy đủ ở Việt Nam. Số liệu dưới đây là theo các nghiên cứu ở nước ngoài (bảng 3):

 

Thưa bác sĩ, với các trường hợp hiếm muộn, nếu chẳng may nhiễm rubella có nên chờ đến 28 tuần, siêu âm thật kỹ hãy quyết định bỏ thai?

 

Thường thì trước khi điều trị hiếm muộn, làm thụ tinh trong ống nghiệm bệnh nhân đều đã được chủng ngừa rubella. Nếu có bệnh lý hình thể học, thì thai 20 tuần qua siêu âm có thể phát hiện được những dị tật. Nhưng siêu âm không phát hiện được mù, điếc, dị tật hệ thần kinh… Vì vậy bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm đầy đủ để họ bàn bạc, tự chọn quyết định.

 

Gần đây, số phụ nữ mang thai mắc rubella càng nhiều: do dịch bệnh thực sự hay do tăng cường xét nghiệm?

 

Không có bằng chứng nào cho thấy là tỷ lệ nhiễm rubella hiện nay đang tăng. Tuy nhiên, số người đi thử kháng thể rubella khi có thai hiện nay rõ ràng là nhiều hơn so với trước đây.

 

Theo Kim Sơn

Sài Gòn tiếp thị