Nguy kịch vì chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan

Mới đây, lại có thêm những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng nặng do chữa bệnh bằng những phương pháp mê tín dị đoan. Đây không phải là những trường hợp hiếm, đã có rất nhiều người chịu hậu quả nặng nề vì những phương pháp này.

Nguy kịch sau khi bị thầy pháp hành xác

Mới đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã giật mình khi tiếp nhận 2 bệnh nhân là 2 chị em ruột cùng nhập viện sau khi bị thầy pháp hành xác. “Tôi cứ nghĩ bây giờ người ta không còn tin vào cách chữa bệnh này nữa. Ai ngờ vẫn có người tin và chữa bệnh bằng cách đó. Bệnh nhân không phải ở vùng sâu vùng xa mà lại ở cách Sài Gòn chỉ vài chục cây số” - BS Vũ Dzuy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

2 bệnh nhân trên là chị N.T.Th (47 tuổi) và N.T.N (34 tuổi) cùng sống ở Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cả 2 bệnh nhân đều có rất nhiều vết bầm tím trên người. Người nhà cho biết, cách đây 1 tháng, chị N.T.Th (47 tuổi) có biểu hiện thường xuyên nói nhảm, tự xưng là hồn ma của ông bà. Thấy vậy, gia đình đã mời một thầy pháp từ Đắk Lắk xuống nhà để làm phép trừ tà cho chị N.T.Th .

Vào ngày 14.11, thầy pháp xuống nhà riêng của vợ chồng chị N.T.Th để làm phép. Theo người nhà, mỗi lần làm phép, “thầy” dùng một cây roi bằng cây dâu tằm rất to để đánh liên tiếp vào người chị Th. Mỗi lần làm phép này diễn ra từ 1-1,5 giờ đồng hồ. Tuy chị Th bị bầm tím khắp người, nhưng “thầy” vẫn tiếp tục làm phép cho chị Th thêm 1 lần vào ngày 15.11. Sau đó, khi chị Th gần ngất xỉu, “thầy” phán rằng ma đã từ chị N.T.Th nhập sang cô em gái là N.T.N. Do vậy, thầy đã tiến hành làm phép luôn cho chị N.T.N.

Nguy kịch vì chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan - 1

Sau khi được thầy làm phép, 17 giờ cùng ngày, cả hai chị em bị mệt, khó thở nên được người nhà đưa vào bệnh viện Bình Dương. Do tình trạng 2 bệnh nhân quá nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. BS Vũ Dzuy cho biết, chị N.T.Th nhập viện trong tình trạng rất nặng. Chị với chẩn đoán đa chấn thương, vùng cổ có tụ máu lớn nên gây suy hô hấp. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Người em gái là chị N.T.N bị bầm máu toàn thân kèm chẩn đoán suy thận cấp. Bệnh nhân đã được chuyển lên khoa Nội thận của Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo BS Vũ Dzuy, khi bệnh nhân bị đánh đến bầm dập, cơ bị tổn thương và sinh ra chất độc đi vào máu. Thận không lọc được chất độc nên dẫn đến suy thận cấp.

Theo anh N.N.Cường, chồng chị N.T.N, mỗi lần làm phép, “thầy” đuổi hết người nhà ra ngoài. “Thầy” sắm 27 cây roi, cứ đánh gãy cây này thì lại dùng cây khác để đánh: “Lúc thầy đánh vợ, tôi thấy vợ la lên. Tôi thấy vợ đau, đi không nổi nên thương lắm, nhưng thầy không cho nghỉ. Gia đình vốn không tin mấy kiểu điều trị bệnh như thế này. Nhưng ông thầy pháp là bạn của chồng chị N.T.Th và đã chữa khỏi cho vài người trong xóm nên gia đình khá kì vọng. Gia đình chỉ nghĩ thầy làm phép bằng cách đốt bùa, khấn vái gì đó, không nghĩ ông đánh người nhà của tôi ra đến nông nỗi này” - Anh Cường bức xúc.

Theo BS Vũ Dzuy, qua miêu tả của người nhà bệnh nhân, với biểu hiện nói nhảm và tự xưng là hồn ma, bệnh nhân có thể đang mắc chứng rối loạn tâm thần. Lẽ ra, thay vì mời thầy pháp, gia đình nên đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị.

Hoại tử tuyến giáp vì bùa phép

Mới đây, Khoa Ngoại lồng ngực- mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng phải tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị biến chứng vì phương pháp chữa bệnh phản khoa học.

Ông N.T.B (ở Thủ Đức, TPHCM) được người nhà đưa đến Bệnh viện trong tình trạng khối bướu cổ lớn, choán hết vùng cổ và biến dạng. Qua thăm khám và các xét nghiệm, ông B được xác định ung thư tuyến giáp dạng nhú. Ông B cho biết, cách đây 5 năm, ông phát hiện bướu cổ nhưng không đến bệnh viện điều trị vì ám ảnh phẫu thuật. Ông tìm đến phương pháp dân gian, ai mách gì ông đều làm theo: “Người thì bày tôi đắp lá cây, đắp thuốc rượu này kia lên khối bướu. Nhưng tôi không thấy bướu xẹp và khô như người ta nói mà càng ngày càng lớn, không chịu nổi nữa nên mới tới bác sĩ”. Ông B kể lại.

Theo các bác sĩ, trong vài tháng gần đây, Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM tiếp nhận trên 5 trường hợp mắc bệnh lý về tuyến giáp vào viện trong giai đoạn muộn với nhiều biến chứng.

Cũng điều trị tại đây với một khối bướu cổ bị nhiễm trùng nặng, có nguy cơ hoại tử, ông P.N.B (ở Tây Ninh) cho biết mình đã chữa bướu cổ thông qua… thầy phán. Ông B phát hiện bướu cổ nhưng cũng tìm đến thầy phán thay vì đi bệnh viện: “Mấy cục u, bướu ở chỗ nào ông thầy cũng phán cho nó hết. Đầu tiên là dùng viết chữa, bùa chú lên khối bướu. Sau đó, thầy lấy nhang đốt và lẩm nhẩm phán”. Ông B tả lại. Bướu không những không hết, nhưng hậu quả thì thấy rõ ngay sau đó. Ông B phải đến Bệnh viện điều trị trong tình trạng bướu ngày một xấu đi, phẫu thuật cũng khó.

BS Trần Như Hưng Việt, Phó Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ - Bệnh viện Nhân dân Gia Đình cho biết, việc bệnh nhân đắp lá, đốt khối bướu sẽ gây viêm dính, cản trở trong quá trình phẫu thuật sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc gây biến chứng làm cho bệnh nhân mất tiếng và gây biến chứng chảy máu và đặc biệt có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng cho bệnh nhân.

Trong khi đó, BS Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ - Bệnh viện Nhân dân Gia Đình khẳng định, bướu tuyến giáp là bệnh dễ điều trị. Bệnh nhân có triệu chứng khối ở cổ, hoặc là các triệu chứng nuốt nghẹn, nuốt vướng, hay khó thở thì nên đến bệnh khám và chẩn đoán thích hợp. Nếu bướu nhỏ, bệnh nhân có thể không cần phẫu thuật. Đối với bướu lớn, bướu độc, bướu ung thư sẽ được phẫu thuật. Cũng theo các bác sĩ, việc điều trị tuyến giáp có nhiều phương thức khác nhau, nhưng điều kiện quan trọng nhất là phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Qua những trường hợp trên, các bác sĩ cho rằng bệnh nhân không nên tin, nghe theo các phương pháp chữa bệnh bằng mẹo, mê tín dị đoan. Bởi các phương pháp này không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh mà còn tốn tiền, tốn thời gian vàng trong điều trị. Bên cạnh đó, phương pháp chữa bệnh này còn gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nặng tới bệnh lý của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bệnh nhân buộc phải đến bệnh viện khám và chẩn đoán, điều trị bệnh với bác sĩ chuyên khoa.


Luật sư Nguyễn Hữu Học, Giám đốc Cty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Giám đốc Cty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Điểm a, khoản 2, điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi thì có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Trường hợp có căn cứ xác định thầy pháp này hành nghề mê tín dị đoan thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan được quy định tại điều 247 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Có thể bị xử lý hình sự

Câu chuyện trên phản ánh một thực tế, thầy pháp không được đào tạo chuyên môn cũng như không được cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, nhưng đã thực hiện việc chữa bệnh. Hành vi của thầy pháp không có bất kỳ cơ sở khoa học nào, chỉ dựa vào niềm tin mù quáng để chữa bệnh là vi phạm điều cấm của pháp luật. Nếu có căn cứ cho thấy thầy pháp này lợi dụng sự mê muội của người bệnh để trục lợi, thì tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý thích đáng.

Như vậy, để có thể xem xét trách nhiệm hình sự thì cần phải có thêm các điều kiện như đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng... Vì thế, cần phải xác minh, làm rõ mức độ vi phạm pháp luật của thầy pháp này. Trường hợp chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì cũng phải xử phạt hành chính để làm căn cứ cho xử lý trách nhiệm hình sự nếu còn tái phạm. Nếu đã đủ căn cứ thì cần khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với thầy pháp này.

Theo Minh Phạm

Lao động