Nguy cơ tiềm tàng từ bể bơi

Ngoài những điều tốt đẹp bể bơi đem lại cho con người là những nguy cơ có hại không thể tránh khỏi. Hãy chung sống với nó thì ta vẫn được đi bơi mà không lo bị hại.

1. Bị ra dử mắt hay đau mắt đỏ do nước có nhiều chất tẩy cũng như tạp khuẩn

 

Phòng tránh: Dùng kính bơi bảo vệ mắt. Khi lên bờ dùng nước muối sinh lý làm sạch mắt ngay. Có thể dùng thêm loại thuốc làm sạch mắt chuyên dụng như Osla, V-Rohto, Eyelight, Naphacollyre..., vừa có tác dụng làm sạch vừa sát trùng nhẹ.

 

Nếu bị bệnh: Nên đến bác sĩ chuyên khoa để uống thuốc và điều trị kịp thời.

 

2. Bị bệnh phụ khoa

 

Phòng tránh: Đảm bảo không có bệnh phụ khoa mới quyết định đi bơi. Khi tắm sau bơi cần vệ sinh bộ phận này sạch sẽ, sau đó ngâm trong nước muối nhạt ấm khoảng 10 phút. Có thể dùng các loại nước rửa vệ sinh để tạo môi trường sạch... Nếu bị ngứa ngáy khó chịu có thể dùng viên đặt.

 

Nếu trị bệnh: Cần đi bác sĩ  phụ khoa để xác định chính xác loại thuốc đặt hay kháng sinh hỗ trợ.

 

3. Da viêm, mẩn ngứa, ghẻ nước…

 

Da là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với nước bể bơi nên cũng gặp một vài rắc rối nếu nước bể bơi quá bẩn hoặc da quá nhạy cảm với các chất làm trong nước là viêm da, mẩn ngứa, ghẻ nước... Trong từng trường hợp bạn tắm ở bể bơi ngoài trời trong thời gian dài hay trong lúc trời nắng gắt càng dễ bị cháy nắng bởi nước trong bể bơi làm bắt nắng hơn, làm da xạm đen và bám chặt trên bề mặt da rất lâu.

 

Phòng tránh: Dùng kem chống nắng khi xuống nước. Khi nghỉ giữa 2 lần bơi nên bổ sung kem chống nắng. Đảm bảo da không có chỗ xây sát khi đi bơi. Tắm sạch sẽ trước và sau khi bơi. Dùng kem dưỡng ẩm sau khi bơi về. Trường hợp bị ngứa ngáy khó chịu có thể dùng một số loại kem bôi ngoài da chống ngứa như kem Phenegan, Geutrison...

 

Nếu bị bệnh: Ngừng đi bơi nếu da bạn bị bệnh vì đi bơi. Cần đi khám bác sĩ da liễu để dùng thuốc chính xác ngay từ đầu, không làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

 

4. Tóc khô, gãy, cứng, đổi màu

 

Phòng tránh: Giảm đến mức thấp nhất nước bể bơi thấm và ngấm vào tóc, nhất là trong thời gian dài bằng cách chụp mũ tắm che tóc thật kỹ càng. Dùng dầu gội phục hồi tóc với các thảo dược thiên nhiên sau khi từ bể bơi lên. Có thể sử dụng mặt nạ làm mền tóc và cung cấp dưỡng chất cho tóc từ nước cốt dừa, quả bơ, sát trùng và làm sạch bằng mật ong. Hấp dầu để làm mềm lại tóc. Tránh dùng thêm chất chua (chanh, quất) xả lên tóc sau khi từ bể bơi về.

 

Nếu bị bệnh: Dùng các sản phẩm đặc trị phù hợp với tình trạng của tóc của các hãng chăm sóc tóc chuyên nghiệp. Trong trường hợp cần thiết cần khám bác sĩ da liễu để được uống và bôi thuốc đúng.

 

5. Viêm tai, lòm tai

 

Phòng tránh: Không bịt kín mũ tắm vào tai, khi ngoi lên mặt nước nên có phản xạ thẳng đầu, đưa tay lên ép cho nước ra hết khỏi vành tai. Nếu nước vào tai thì lên bờ nhảy lò cò nghiêng tai cho nước chảy ra ngoài hết rồi lấy bông tăm thấm hút sạch ngay. Khi tắm nhớ vệ sinh sạch vành tai ngoài, dái tai, dùng tăm bông thấm hết nước trong tai, rồi dùng nước muối sinh lý hay Audiclean làm sạch tai lần cuối.

 

Nếu bị lòm tai thì dùng thuốc Tetracyline bôi ngoài da. Trường hợp bị viêm tai thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị triệt để.

 

6. Bệnh đường ruột

 

Trẻ em chưa biết bơi hay bị uống nước bể bơi, rất ảnh hưởng đến đường ruột.

 

Trường hợp bị sặc nước bể bơi thì cần chú ý làm sạch mũi họng bằng nước muối sinh lý ngay.

 

 

Theo Mỹ phẩm