Ăn lươn “ngậm” thuốc tránh thai: Đối mặt với nguy cơ rối loạn nội tiết!

(Dân trí) - Thông tin người nuôi lươn dùng thuốc tránh thai của người, thuốc kháng sinh trộn với thức ăn cho lươn để phòng bệnh, giúp lươn tăng trưởng nhanh khiến nhiều người bàng hoàng, lo lắng bởi đây là một thực phẩm được ưa chuộng, đặc biệt là trong nấu cháo, nấu bột cho trẻ.

Lươn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt
Lươn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt

"Tẩy chay" lươn vì quá sốc

Theo thông tin báo chí phản ánh, việc sử dụng thuốc tránh thai của người, thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn nuôi lươn là khá phổ biến tại các điểm nuôi nhỏ lẻ ở Nghệ An.

Ngay lập tức, trên facebook xuất hiện những chia sẻ thể hiện thái độ kinh hoàng, sốc khi đọc thông tin này bởi đây là thực phẩm phổ biến của con em họ và nhiều người đã bày tỏ “tẩy chay” lươn trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, câu chuyện thực phẩm “ngậm” kháng sinh, hóc môn, thuốc tăng trưởng... không chỉ cá biệt ở con lươn mà nó khá phổ biến trong ngành chăn nuôi và nó đã được cảnh báo tại lễ kỷ niệm ngày Sức khoẻ thế giới đầu tháng 4 năm nay. Khi đó, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khoảng 5% kháng sinh được sử dụng ở Việt Nam là trong nông nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, nhất là thủy sản ở mức độ nghiêm trọng.

“Một vấn đề đáng quan ngại là tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam. Việc ăn phải các thực phẩm tồn dư kháng sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đáng lo ngại nhất là nguy cơ gia tăng tình trạng kháng kháng sinh”, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết tại buổi lễ trên.

Phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất

Đánh giá về nguy cơ của thực phẩm “ngậm” kháng sinh, hoóc môn sinh trưởng, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết cho biết, để đánh giá nguy cơ cụ thể với sức khỏe, cần phải tìm hiểu kỹ người ta cho ăn ở thời điểm trước bán bao lâu? Ăn liều lượng như thế nào? Tồn dư trong lươn thành phẩm ra sao?...

“Còn nếu ăn phải thực phẩm có tồn dư hoóc môn, hoóc môn tăng trưởng cao, quá ngưỡng cho phép rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ, khi ăn những thực phẩm này, họ vô tình đã “nạp” một lượng hoóc môn vào cơ thể và nó sẽ can thiệp vào quá trình sản xuất hoóc môn của cơ thể người, từ đó làm rối loạn nội tiết trong cơ thể”, PGS.TS Lương nhận định.

Cùng quan điểm này, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho rằng, việc ăn phải thực phẩm tồn dư hoóc môn quá mức cho phép, giống như uống hoóc môn liều thấp, dùng nhiều, lâu dài sẽ gây những rối loạn về nội tiết cơ thể. Với trẻ nhỏ ăn phải gây rối loạn phát triển, như hoóc môn sinh dục thì gây  dậy thì sớm...

“Còn thực phẩm tồn dư kháng sinh quá ngưỡng, người ăn thực phẩm này ngẫu nhiên hấp thụ một lượng kháng sinh liều thấp vào người. Vì ở ngưỡng tồn dư, rất thấp nên kháng sinh không đủ để tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể người, khiến vi khuẩn trong cơ thể dần quen kháng sinh, gây nên tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm.

Nói nôm na, khi bị bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh, nếu đúng loại kháng sinh vi khuẩn đã kháng thì nó không còn hiệu quả chữa bệnh mà phải tìm đến kháng sinh mới hơn, mạnh hơn. Trong khi đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi khá phổ biến góp phần gia tăng tình trạng kháng kháng sinh”, BS Cấp nói.

Hồng Hải