Nguy cơ bùng phát trở lại dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, tất cả ao, hồ VN đều có nguy cơ tiềm ẩn khuẩn phẩy tả. Kéo theo đó là số bệnh nhân bị tiêu chảy có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả chắc chắn sẽ tăng lên nếu người dân không đề cao ý thức ăn uống vệ sinh.

Khuẩn phẩy tả không chỉ có trong nguồn nước ao, hồ (mà ở nhiều địa phương, vùng nông thôn, nguồn nước này được sử dụng làm nước sinh hoạt, tưới rau…) mà nguy hiểm hơn, nó còn có trong nguồn thực phẩm chín do chế biến, bảo quản không hợp vệ sinh.

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc TT Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: "Các kết quả xét nghiệm cho thấy rất nhiều mẫu nước từ nhà vệ sinh dương tính với khuẩn phẩy tả. Mặt khác, vi khuẩn tả có thể tồn tại khá lâu trong môi trường kiềm; trong phân 150 ngày; trong đất 60 ngày; trong nước 20 ngày nhưng lại bị tiêu diệt chỉ trong 5 phút dưới nhiệt độ 80 độ C ở môi trường axít và 15 phút trong thuốc CloraminB. Vì vậy, nếu không áp dụng tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp, vi khuẩn tả vẫn có khả năng gây bệnh cho người.

Trên thực tế, số bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm đang tăng lên từng ngày. Riêng tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, mỗi ngày có từ 20 - 30 ca tiêu chảy phải nhập viện. Bệnh viện đang trở nên rất quá tải.

PGS. TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết: "Để đảm bảo bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh, không mang mầm bệnh ra môi trường, họ chỉ được ra viện sau 3 lần cấy phân có kết quả âm tính với khuẩn phẩy tả. Đây cũng là một nguyên nhân khiến số bệnh nhân khu trú lâu cộng với bệnh nhân mới nhập dồn lại khiến bệnh viện luôn trong tình trạng rất quá tải.

Theo đánh giá ban đầu, tất cả các ca bệnh bị tiêu chảy cấp vào viện đến liên quan đến thực phẩm không an toàn. Trong đó, có nhiều bệnh nhân đến từ hai quận đã được uống vắc xin tả trước dịp Tết Nguyên đán là Thanh Xuân và Hoàng Mai. Ngoài ra, quận Đống Đa cũng được ghi nhận có số bệnh nhân tả đông.

Trước nguy cơ dịch tiêu chảy tái bùng phát, UBND thành phố Hà Nội đã có công điện gửi các địa phương phải thực hiện nghiêm 8 biện pháp cấp bách. UBND yêu cầu tất cả hệ thống chính quyền phải cùng vào cuộc; tập trung công tác truyền thông để giúp người dân có biện pháp phòng chống dịch; tăng cường tổng vệ sinh ngoại cảnh, nhất là khu vực hồ ao…

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện tại 8 tỉnh phía Bắc, với 107 trường hợp mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 55 dương tính với khuẩn phẩy tả (tính đến ngày 31/3). Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 60 ca, trong đó có 29 trường hợp dương tính với khuẩn phẩy tả.

Trước tình hình bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm ngày càng nóng lên, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp. Để phòng nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế đề nghị: Các địa phương cần đẩy mạnh hơn việc kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố và những thực phẩm có nguy cơ cao, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm VSATTP và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, người dân không dùng nước ao hồ rửa rau, rửa thực phẩm...

Hồng Hải