Người nước ngoài thích đến Việt Nam làm đẹp, thẩm mỹ

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ, ngày càng có nhiều người nước ngoài thích đến Việt Nam chữa trị. Tại BV Da liễu Trung ương ngày nào cũng tiếp nhận 50 – 100 bệnh nhân nước ngoài đến điều trị các bệnh về da, thẩm mỹ, làm đẹp.

Tại Hội nghị khoa học 37 năm ngày truyền thống ngành da liễu diễn ra ngày 25/1, PGS Thường cho biết, xu hướng người nước ngoài, bà con việt kiều đến các viện Việt Nam chữa trị, làm đẹp ngày càng tăng, đặc biệt là dịp cuối năm.

PGSThuong1.jpg

PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết, hội nghị lần này cập nhật nhiều tiến bộ, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, làm đẹp.

Cùng với đó là xu hướng làm đẹp, thẩm mỹ của người Việt ngày càng tăng lên. Như trước kia, lượng bệnh nhân làm đẹp chỉ chiếm 1/10 bệnh nhân đến khám, đến nay, trong tổng số bệnh nhân đến khám, mỗi ngày khoảng 500 người (chiếm 25%) đến bệnh viện sử dụng các dịch vụ làm đẹp.

Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ khám chữa các bệnh da liễu cho nhân dân, BV Da liễu Trung ương phát triển nhiều dịch vụ, đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp của người dân.

“Cùng một dịch vụ, nếu ra nước ngoài điều trị, ngoài chi phí dịch vụ, tàu xe, đi lại, ăn ở… sẽ gấp 10 đến 20 lần, thậm chí 30 lần so với tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi phát triển, đầu tư để người Việt không còn phải ra nước ngoài khám, điều trị, làm đẹp. Các dịch vụ khám chữa bệnh, làm đẹp tại BV Da liễu Trung ương tương đương các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Đồng thời cũng thu hút lượng lớn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, kiều bào nước ngoài về quê ăn Tết đến viện khám chữa, làm đẹp”, PGS Thường cho biết.

dalieu.jpeg

 

Bệnh viện cũng tập trung công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao các kỹ thuật điều trị da liễu cho bệnh viện tuyến tỉnh. Do số bệnh ngoài da trong tổng số bệnh trên toàn thế giới chiếm 30 – 35% các loại bệnh cơ thể, rất phổ biến. Trong đời ai cũng mắc bệnh da liễu ít nhất một vài lần, việc chuyển giao kỹ thuật điều trị xuống tuyến dưới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám chữa ngay tại địa phương.

PGS Thường cũng cho biết thời gian qua, với sự ứng dụng nhiều kỹ thuật, phát triển chuyên môn, bệnh viện cũng chẩn đoán ra nhiều bệnh da hiếm gặp người dân vẫn tưởng là bệnh “lạ”. Như bệnh bệnh dày sừng ở Quảng Ngãi do phong tục tập quán ăn gạo mốc, được chỉ ra chính xác căn nguyên mắc bệnh chứ không phải bệnh lạ.

“Thực tế, bệnh “lạ” của chuyên ngành da liễu thực chất là bệnh ít gặp, hiếm gặp, điều trị khó. Ví dụ với khô da sắc tố di truyền, điều trị giảm triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng, tử vong còn không thể khỏi hoàn toàn nhưng cũng giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những năm qua, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và Việt kiều đã đến Việt Nam khám chữa bệnh. Trong năm 2018 ước tính có khoảng 300.000 người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57 nghìn người điều trị nội trú. Bệnh nhân người nước ngoài thường lựa chọn các dịch vụ như: Can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ vì chi phí rất rẻ trong khi chất lượng điều trị không thua gì các nước.

Theo Bộ trưởng, thường các dịp lễ Tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam ăn Tết, thực hiện các can thiệp thẩm mỹ, nha khoa là rất lớn, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân người nước ngoài, bệnh nhân có điều kiện ở Việt Nam không ra nước ngoài chữa trị mà khám chữa bệnh ngay trong nước, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các bệnh viện cần nâng cấp chất lượng.

Hồng Hải