Người hút thuốc lá phải đóng phí

(Dân trí) - Theo dự thảo luật phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), người hút thuốc lá sẽ phải nộp một khoản kinh phí bằng 2% giá thuốc cho việc phòng, chống tác hại của nó và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Số tiền này được tính vào giá bán, khoảng 400 đồng một bao thuốc.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vừa được đệ trình Quốc hội, trong đó, nội dung về việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá trích từ tiền bán thuốc lá, hay lại dành ngân sách để chống thuốc lá như hiện hành sẽ mang lại hiệu quả hơn đang được sự quan tâm của nhiều người.

Kinh phí nhà nước quá hạn hẹp!

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, thành viên Ban soạn thảo dự luật PCTHTL, việc phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khoẻ cộng đồng còn rất nhiều việc phải làm, từ truyền thông để chuyển đổi hành vi, xây dựng các mô hình điểm về địa điểm không hút thuốc, vừa phải nghiên cứu xây dựng các mô hình cai nghiện thuốc lá, hỗ trợ cộng tác viên tham gia phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khoẻ… “Với tất cả các hoạt động này, nếu chỉ đựa vào ngân sách nhà nước thì không thể thực hiện được. Bởi ngân sách nhà nước chi cho phòng chống tác hại thuốc lá rất thấp, chỉ 1 tỷ đồng/năm, ngoài ra còn 7-8 tỷ đồng tài trợ của nước ngoài nhưng tài trợ tới đây cũng sẽ giảm khi thu nhập bình quân đầu người ở VN tăng thêm”, ông Quang nói.
 
Người hút thuốc lá phải đóng phí - 1
Kinh phí hạn hẹp là một phần nguyên nhân dẫn tới công tác PCTHTL chưa thực sự hiệu quả giúp giảm số người hút thuốc trong cộng đồng

Ông Quang cũng khẳng định, để bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá lên sức khoẻ và nòi giống người Việt thì chắc chắn phần chi từ ngân sách không đáp ứng được. Vì thế, ý tưởng về việc thành lập Quỹ dành riêng cho hoạt động này được nghĩ tới và được đề xuất trong luật. Việc đề xuất thành lập mô hình quỹ là kế thừa kinh nghiệm của các nước, từ nước đang phát triển như Lào và nước phát triển như Mỹ. Trong đó, quỹ sẽ có nguồn thu từ khoản đóng góp bắt buộc từ người sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc lá. Tiền đó sẽ được sử dụng để phòng chống thuốc lá chứ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Cùng quan điểm này, bà Phan Thị Hải, cán bộ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho rằng, việc lập một Quỹ riêng để giúp đảm bảo nguồn kinh phi để thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá đồng bộ, hiệu quả và bền vững là cần thiết. Bởi thực tế hiện nay, đại đa số các tỉnh không phân bổ kinh phí cho PCTHTL. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2000 – 2010 cấp 800 triệu đồng cho chương trình này.

Trong khi đó, ngân sách nhà nước cấp cho công tác PCTHTL tại T.Ư thấp, khoảng 47 ngàn USD năm 2009, tương đương 0,5% kinh phí của Thái Lan đầu tư cho công tác PCTHTL trong khi số người hút thuốc của nước này chỉ bằng 2/3 số lượng người hút thuốc của Việt Nam.

Đóng phí hút thuốc lá: 400 đồng/ 1 bao thuốc

Bà Hải cho biết, nhiều nước trên thế giới như Úc, Mông Cổ, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, bang California (Hoa Kỳ)… đều có khoản thu bắt buộc từ các sản phẩm có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu)… Theo khuyến nghị của WHO và kinh nghiệm tại các nước, mức đóng góp bắt buộc đối với người sử dụng thuốc lá vào Quỹ quốc gia về PCTHTL để nâng cao sức khỏe cộng đồng chiếm khoảng 2% tổng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá.

Với nguồn thu thêm từ 2% trên tổng thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm thuốc lá và rượu, Quỹ Nâng cao sức khỏe ThaiHealth của Thái Lan (thành lập năm 2001) đã thu được tổng kinh phí của Quỹ năm 2010 là 109 triệu USD. Với nguồn kinh phí này, quỹ ThaiHealth đã thực hiện được toàn diện các chương trình PCTHTL, kết quả trong giai đoạn 2001 – 2009 tại Thái Lan đã có 4,1 triệu người bỏ thuốc lá.

Trong khi đó tại Việt Nam, các hoạt động PCTHTL đã triển khai hơn 10 năm nhưng hiệu quả rất thấp, số người hút thuốc vẫn ở mức 47% nam giới. Theo ông Quang, một phần nguyên nhân là thiếu kinh phí bởi ngân sách dành cho phòng chống tác hại thuốc lá ở VN thấp quá, nhà nước chỉ chi có 1 tỷ đồng/năm, bằng một phần rất nhỏ so với Thái Lan, trong khi dân số và số người hút thuốc lá ở Thái Lan đều thấp hơn VN. Ngân sách ít ỏi, hoạt động phân tán và chưa có tài chính để duy trì các mô hình điểm đã có. Tăng giá thuốc lá, lấy tiền đó lập quỹ chống thuốc lá chẳng qua là biện pháp hạn chế kinh doanh và tiêu dung. Hơn nữa ngân sách nhà nước không phải dành cho phòng chống thuốc lá nữa, mà có thể dành phần tiền ấy cho các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, an sinh xã hội từ tiết kiệm chi tiêu công.

Theo đó, dự thảo luật PCTHTL đề xuất, nguồn quỹ sẽ do những người sử dụng thuốc lá đóng thông qua giá bán bởi nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu thuốc lá cộng thêm tài trợ của các cá nhân, tổ chức.

Cụ thể, người hút thuốc lá sẽ phải nộp một khoản kinh phí bằng 2% giá thuốc cho việc phòng, chống tác hại của nó và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Số tiền này được tính vào giá bán, khoảng 400 đồng một bao thuốc.

Việc chủ động một nguồn Quỹ sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong các biện pháp PCTHTL, không như hiện nay, kinh phí dành cho kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tài trợ quốc tế khoảng 90%. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ này sẽ ngày càng giảm trong những năm tới do nước ta đã vượt ngưỡng nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Hồng Hải