Ngộ độc từ đồ gia dụng rẻ tiền

(Dân trí) - Với giá rẻ bất ngờ, những món hàng gia dụng bằng nhôm, nhựa, sành, sứ với mầu sắc sặc sỡ đã được lòng không ít người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khoẻ cảnh báo: Chất độc hại trong chúng sẽ thôi nhiễm vào thức ăn gây độc.

"Lú lẫn" vì nhôm

 

PGS. TS Trần Đáng - Cục trưởng cục VSATTP cho biết, do đặc tính nhẹ nhàng, sạch sẽ nên đồ nhôm thường được dùng làm nồi, xoong, chảo và được khá nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường và đặc biệt là ở các khu chợ ngoại thành, người ta thường mua bán những món đồ gia dụng bằng nhôm được tái chế từ các loại nhôm phế liệu, không đảm bảo công nghệ lại cộng thêm việc xử lý không hết các tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với môi trường...

 

Khi dùng đun, nấu, chứa đựng thực phẩm các ion nhôm nhiễm vào thực phẩm và người ăn phải sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đặc biệt, khi nấu mặn sẽ thường tạo ra muối nhôm.

 

Ngoài ra, khi dùng đồ nhôm để đựng các loại thức ăn nóng, chua, mặn  như dưa muối, nấu canh chua, thịt kho trong thời gian dài, bề mặt nhôm thường bị rỗ kèm theo việc giải phóng các ion nhôm, trộn lẫn vào thức ăn. Khi cơ thể liên tục tiếp nhận ion nhôm sẽ tích luỹ ở tế bào não khiến các tế bào thần kinh bị biến tính gây ra hội chứng "lú lẫn".

 

Biểu hiện rõ ràng nhất khi cơ thể bị ngộ độc nhôm là giảm sút trí nhớ, phản ứng chậm chạp, có khi còn dẫn đến hiện tượng cười, khóc thất thường.

 

Nhựa rẻ tiền gây họa

 

Cũng theo TS. Đáng, bản chất đồ nhựa là Polyme không gây độc hại khi sử dụng. Thủ phạm gây độc hại và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người chính là monome và các phụ gia chất dẻo, thường dễ dàng tìm thấy trong các sản phẩm nhựa có nguồn gốc từ nhựa tái sinh.

 

Thông thường, tại các nhà máy sản xuất đồ gia dụng với quy mô lớn, việc kiểm soát các hoá chất và phụ gia được giám sát và kiểm định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, các cơ quan giám sát thường bất lực đối với các mặt hàng gia dụng trôi nổi ngoài thị trường với xuất xứ Trung Quốc và các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ trong nước.

Qua xét nghiệm, người ta đã tìm thấy rất nhiều chất phụ gia và chất độn để tiết kiệm nguyên liệu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng như  monome và chất dẻo làm giảm tính bốc cháy, tăng tính ma sát (bao gồm bột Talc, Amiăng, phấn viết, bột gỗ...).

 

Ngoài ra trong nhựa kém chất lượng còn tìm thấy các chất tạo bọt và đặc biệt là chất dẻo hoá chất TOCP (Triorthocresylphosphat). Đây là loại hoá chất rất độc hại, nó sẽ làm tổn thương và thoái hoá thần kinh ngoại biên và tuỷ sống.

 

Khi dùng những đồ nhựa này để chứa đựng thực phẩm, nhất là các loại thức ăn có chứa dầu mỡ, chua, mặn, nóng sẽ tạo cơ hội thôi nhiễm các chất độc vào thực phẩm gây ngộ độc.


TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc sở Y tế HN cho hay, có một số cửa hàng cơm bình dân hiện nay những người bán hàng dưa, cà muối thường hay sử dụng những thùng nhựa rẻ tiền hoặc đã từng đựng hoá chất, thùng đựng sơn để muối dưa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số ca ngộ độc với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các loại bát đĩa, thìa, cốc và các hộp đựng thức ăn sử dụng ở những quán ăn này cũng thường được sản xuất từ đồ nhựa phế phẩm.

 

Ngộ độc vì sành sứ

 

Các mặt hàng chén, đĩa, ly, tách bằng sứ hiện nay được nhiều người ưa chuộng do giá bán ngày càng rẻ. Để giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh, một số nhà sản xuất đã sử dụng cả chì với nồng độ cao nhằm làm cho phụ gia nhanh chảy ở nhiệt độ thấp (so với nhiệt độ chuẩn là 1.000- 1.200 độ C). Bên cạnh đó, các hoa văn ở những đồ sứ kém chất lượng thường được dán đề can hoặc vẽ trên men rồi nung ở nhiệt độ thấp để giữ được mầu sắc đẹp nên không thể loại được hết chì.

 

Ông Hà Thế Quang giám đốc công ty CP sứ Hải Dương cho biết: “Các đồ sành sứ này này khi tiếp xúc với thực phẩm có tính axít như dưa chua, nộm, cà phê, sữa, rượu, bia, nước hoa quả, nước đường, canh nóng... lượng chì  trong bột mầu sẽ dần dần hoà tan trong thực phẩm, khi tích tụ đến một mức nhất định sẽ gây ra ngộ độc- TS Trần Đáng cảnh báo.      

 

Lưu ý khi dùng đồ gia dụng

 

Không nên dùng đồ nhôm gia công, chất lượng kém. Tránh đựng thức ăn qua đêm hoặc dùng để muối dưa, đánh trứng gà, làm nộm chua, canh chua và đồ nóng.

 

Khi sử dụng đồ nhựa nên chọn mua những mặt hàng có độ trong, bóng, mầu sắc sáng tươi. Bề mặt sản phẩm không bị xước, nhám. Nên chọn sản phẩm bằng nhựa Melamine đối với các sản phẩm như bát, đĩa, thìa...

 

Đối với các sản phẩm bằng đồ sành sứ, không nên chọn loại quá nhiều mầu sắc sặc sỡ để đựng thực phẩm như mầu vàng, xanh lam, đỏ... Nên chọn mua hàng của những cơ sở sản xuất có tên tuổi và thương hiệu rõ ràng.

                

 

Phạm Thanh

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết