Ngộ độc trẻ em: Những kiểu nhầm... chết người

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Dụ (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc trẻ em trong gia đình xảy ra hầu hết là do lỗi của cha mẹ hoặc người trông trẻ và hậu quả, di chứng của ngộ độc cho trẻ là rất nặng nề.

Đầu năm 2008, thấy cháu ho, sổ mũi, thay vì lấy gói thuốc trị cảm nghiền sẵn cho đứa cháu 2 tuổi uống, tuổi già mắt kém, bà ngoại cháu N.V.T (Đồng Nai) lại lấy nhầm gói thuốc súng của mẹ cháu dùng để thoa ghẻ để gần đó. 2 giờ đồng hồ sau, thấy cháu tím môi, tay, chân bà hốt hoảng đưa cháu đến bệnh viện địa phương nhưng do bệnh viện này không có thuốc điều trị nên chuyển thẳng đến BV Nhi Đồng 1. Các bác sĩ đã phải rất vất vả mới giữ được mạng sống của bé.

 

Việc chủ quan trong bảo quản hoá chất của cha mẹ là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em “sống dở chết dở”. Trước Tết Kỷ Sửu, bé gái H.T.A mới 14 tháng tuổi (Bến Tre) đã được đưa đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu vì uống phải dung dịch aceton mà mẹ cháu dùng để rửa móng tay cho khách. Nguyên do mẹ cháu đã dùng chai trà xanh để chứa aceton rửa móng cho khách, bé nhầm với nước ngọt.

 

Tự ý pha chế, áp dụng chế độ thuốc của người lớn cho trẻ cũng là hại trẻ. Thống kê riêng tại BV Bạch Mai, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng thứ 2 (chiếm 12,2%) sau ngộ độc thực phẩm. Tại các khoa khám của BV Nhi T.Ư, Xanh Pôn, Bạch Mai, số trẻ mắc tiêu chảy đến khám cũng khá đông. Một trong những nguyên nhân số trẻ tiêu chảy tăng chính là do bố mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc mà không theo chỉ định của bác sĩ.

 

Các bác sĩ nhi khuyến cáo: không nên tự cho trẻ uống thuốc, kể cả dung dịch oresol. Vì pha thuốc không đúng tỷ lệ mà chỉ áng chừng rất dễ tổn thương tế bào, gây phù não, thậm chí tử vong... Đối với thuốc paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chữa cảm cúm cho trẻ, các bác sĩ cũng khuyến cáo nếu dùng quá liều cho trẻ rất dễ gây ngộ độc, hoại tử tế bào gan.

 

Theo Bảo Long

Sức khỏe & Đời sống