Ngộ độc hóa chất giết nhiều người bệnh

(Dân trí) - Tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) trong năm 2014, tỉ lệ bệnh nhân ngộ độc hóa chất chiếm gần 20% số bệnh nhân nhập viện, trong đó nhiều ca bệnh không thể qua khỏi bởi sự độc hại của hóa chất.

Ngộ độc hóa chất giết nhiều người bệnh

Ngày 30/5,  PGS.TS Phạm Duệ (nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong năm 2014 Trung tâm tiếp nhận khoảng 3500 bệnh nhân ngộ độc, trong đó có  666 bệnh nhân (chiếm 18,9%) ngộ độc hóa chất.

“Trong nhóm này có đến gần một nửa là bệnh nhân ngộ độc paraquat (310 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong chung do ngộ độc hóa chất tại trung tâm chiếm 0,41%  nhưng tỉ lệ tử vong do paraquat lên tới 50 – 72%”, TS Duệ cảnh báo.

Nguyên nhân là do các hóa chất độc này được bán quá phổ biến, không được kiểm soát và với chi phí rất rẻ nên là người dân dễ dàng lạm dụng uống hóa chất để tự tử.

Tại Hội thảo chia sẻ thông tin về kết quả hội nghị toàn thể các thành viên Công ước Rotterdam, Basel và Stockholm năm 2015 diễn ra chiều 30/5, các chuyên gia cũng đưa cảnh báo về sự nguy hại của Amiăng, một loại hóa chất đang bào mòn tính mạng của cả nhân loại.

Amiăng từng được coi là một loại vật liệu tuyệt vời vì nó có những tính chất ưu việt mà ít loại vật liệu nào có được (khả năng chịu nhiệt, cách điện, chịu bài mòn tốt…). Loài người có thể tiếp tục sử dụng Amiăng trong mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất nếu như các nhà khoa học không phát hiện ra mặt trái của nó, tác hại đến sức khỏe cọn người, là nguyên nhân của hang loạt bệnh ung thư, tim, phổi…gây tử vong cho con người.

Chuyên gia người Úc Philip cho biết tác hại do amiăng gây ra trên cả 3 thế hệ (công nhân khai thác, công nhân sản xuất và công nhân sửa chữa đồ dùng sử dụng amiang). Amiang gây ra 90% ca ung thư trung biểu mô rất nguy hiểm. Ngoài ung thư trung biểu mô còn rất nhiều loại ung thư khác đe dọa đến tình mạng con người. Nhất là Amiăng trắn.

Việt Nam đứng trong 10 nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ Amiang (trung bình 65.000 tấn/ năm, trong đó năm 2012 là 78.000 tấn), đứng thứ 7 thế giới theo bình quân tiêu thụ đầu người (0,9kg/người/năm) và nằm trong top 5 nước Châu A sử dụng nhiều Amiăng nhất vào năm 2012 (chiếm 63% lượng tiêu thụ Amiang toàn cầu).

Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Amiang là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người/năm phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp ung thư biểu mô ác tính ở người.

Hơn nữa, hóa chất gây ra hàng loạt các vấn đề về ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn… Những năm gần đây dân số ở đô thị tăng nhanh khiến hệ thống thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải rác thải sinh hoạt hầu hết được xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp.

Vì sự an toàn của thế giới, vì mục tiêu môi sinh xanh - sạch - đẹp. Bằng hành động cụ thể cộng đồng quốc tế đã liên tiếp cho ra đời 3 công ước quốc tế (Basel, Rotterdam và Stockholm) cho đến nay cộng đồng quốc tế đã có trong tay 3 công cụ phối hợp để kiểm soát mặt trái của hóa chất để phối hợp ngăn chặn nguy cơ đầu độc toàn cầu.

Trước đó tại Hội nghị quốc tế tổ chức tại trung tâm Hội nghị quốc tế Geneva (CICG), Geneva, Thụy Sĩ. TS Trần Tuấn cho biết: “Chúng tôi đem đến hội nghị những hình ảnh thể hiện tiến bộ đã đạt được từ năm 2014 của Việt Nam trong lộ trình cấm amiang trắng ở Việt Nam vào 2020, thể hiện quyết tâm của Chính Phủ Việt Nam giao trách nhiệm cho các Bộ thực thi mục tiêu cấm hoàn toàn sử dụng amiang trắng ở Việt Nam vào năm 2020. Ngoài ra chúng tôi cũng đem đến một đoạn phim về kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng amiang trắng, những hậu quả để lại tại cộng đồng và kêu gọi quốc tế hỗ trợ các tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng “Cộng đồng nói không với amiang tại Việt Nam”.

Thu Hương