Ngộ độc “đặc sản”

Thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan các loại đặc sản như ba ba, nhộng, con so... Vụ nhẹ thì còn cứu chữa kịp thời, ngộ độc nặng thì bác sĩ bó tay. Số vụ ngộ độc đều do thói quen và cứ nghĩ là món khoái khẩu, món “độc”.

Nếm thử cũng đi cấp cứu

 

Mới đây, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận hai bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm từ BV tỉnh chuyển lên sau khi ăn côn trùng. Đây chỉ là 2 trường hợp nặng trong nhóm 9 người bị ngộ độc do ăn con nhộng ve. Một người bắt được nửa ký nhộng ve đem về chế biến và mời bạn bè cùng “xơi”. Sau khi ăn 30-60 phút, tất cả phải đi cấp cứu với các triệu chứng chóng mặt, nôn ói, cứng hàm, co giật tay chân... Có trường hợp chỉ dùng thử cho biết mùi vị, ăn nửa con nhộng cũng phải vào viện cấp cứu.

 

Theo BS Doãn Uyên Vy, BV Chợ Rẫy, hầu hết các trường hợp ngộ độc là do ăn phải côn trùng bị nhiễm nấm độc. Các biểu hiện ngộ độc là triệu chứng thần kinh, tùy theo lượng đã ăn và tùy theo cơ địa mỗi người. Trong đất luôn chứa các bào tử nấm, trong đó có vô số nấm độc, nếu gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, các bào tử nấm độc sẽ nhiễm và phát triển mạnh trong phủ tạng, thân và giết chết côn trùng hay ấu trùng, tuy nhiên hình dạng của côn trùng thì không biến đổi. Vì vậy, nhìn vẻ bên ngoài hấp dẫn, nhiều người rất dễ lầm tưởng là côn trùng, ấu trùng còn sống nên ăn vào là bị nhiễm độc. Những người ăn nhộng ve cũng không biết chúng đã nhiễm nấm độc.

 

Cũng theo bác sĩ Doãn Uyên Vy, người dân có thói quen bắt côn trùng như dế, ve, nhộng sâu, đuông dừa, bò cạp... đem về rửa sạch rồi chiên lên ăn. Đôi khi còn nhét thêm hạt đậu phộng vào bụng của chúng để thêm hấp dẫn. Các côn trùng cũng có giá trị dinh dưỡng như thịt, cá và không độc hại. Nhưng nếu không cảnh giác sẽ ăn chất độc vào người vì côn trùng ở dưới đất có thể bị nhiễm nấm độc. Những côn trùng, ấu trùng nếu bị nhiễm nấm độc thường có thân cứng, mắt màu trắng, cảm quan như bị chết là đã nhiễm độc nấm, không thể ăn được; còn những con nhộng ve còn sống, dùng chế biến ăn được là có thân mềm, mắt màu đen, còn cử động.

 

Đề phòng thủy hải sản

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài ngộ độc do côn trùng, vật nuôi, ngộ độc thủy hải sản cũng xếp vào loại rất nguy hiểm. Cũng có trường hợp một nhóm người sau khi ăn thịt ba ba khoảng một giờ có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy. Có một người trong nhóm bị nặng nhất với các triệu chứng dị ứng, chân tay co quắp, nổi mẩn ngứa, mỏi mệt, phải đi viện cấp cứu. Được biết, trong số ba ba được chế biến, có hai con đã chết trước đó và không thể cắt lấy tiết được.

 

Các chuyên gia về thủy sản cho biết chất độc có tên là histamine sinh ra trong thịt ba ba khi chuyển từ trạng thái sống sang chết là nguyên nhân gây ngộ độc. Chất độc này có đặc điểm chịu nhiệt. Ngoài ra, ba ba là loài vật thích ăn thịt động vật thối rữa nên trong ruột thường chứa vi khuẩn có hại và mầm bệnh. Nếu còn sống, chất độc sẽ đào thải bớt ra ngoài, nhưng khi ba ba chết, các độc tố trong cơ thể sẽ phát tán thêm nên rất độc. Thêm vào đó, trong thịt ba ba có rất nhiều chất đạm, axít amin. Khi ba ba chết, các chất này sẽ phân giải ra thành nhiều nhóm amin và chất thuộc nhóm amin. Ba ba chết càng lâu thì các chất này sẽ càng nhiều nên dễ dàng gây độc nếu ăn vào.

 

Các khuyến cáo cũng cho rằng, ăn thịt ba ba còn nhỏ cũng là điều sai lầm vì không bổ dưỡng mà còn bị độc thêm, tốt nhất nên dùng ba ba trưởng thành (với trọng lượng 500g trở lên).

 

Những người hay ăn thịt ba ba hay thủy hải sản ở các hàng quán cũng có nguy cơ bị ngộ độc rất cao do không phải ai cũng biết được hải sản còn sống hay đã chết trước khi chế biến.

 

 

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động