Cấy ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người:

Ngịch lý thừa và thiếu

(Dân trí) - M.H.A.Giang vừa được thực hiện phẫu thuật ghép gan thành công tại bệnh viện TPHCM chỉ là một trong số rất ít bệnh nhân may mắn bởi trở ngại lớn nhất hiện nay của ngành này không còn là vấn đề kỹ thuật mà là tình trạng thiếu nguồn cung cấp mô, bộ phận cơ thể.

Rào cản trong ngành gép tạng

 

TS Đàm Viết Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) cho biết: Với tiến bộ vượt bậc của y học thế giới như hiện nay thì kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người đã phát triển ở hầu hết các nước trên thế giới và tỷ lệ thành công đạt từ 80 - 90% với kết quả sau phẫu thuật kéo dài 5 năm đạt 65 - 85%. Thời gian sống sau ghép thận có thể đạt 20-30 năm, ghép gan là 24 năm và ghép tim là 18 năm.

 

Có thể nói, kỹ thuật này ngày càng phát triển ở các quốc gia trên thế giới và trở thành một biện pháp cứu cánh ngành y học nhằm cứu sống người bệnh khi không còn khả năng cứu chữa.

 

Hiện trên cả nước ta có 10 cơ sở thực hiện được kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể là Học viện Quân y, BV Việt Đức, BV Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV nhân dân Gia Định, Viện 108, BV Đa khoa Đà Nẵng...

 

Cơ sở kỹ thuật đã khá hùng hậu nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 9.000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, riêng Hà Nội có 1.500 trường hợp chỉ định ghép gan. Hiện trong nước mới chỉ ghép được 157 ca ghép thận và có tới hơn 300 người phải ra nước ngoài để ghép, chủ yếu là sang Trung Quốc.

 

Thiếu nghiêm trọng nguồn cung cấp mô, bộ phân cơ thể người đã tạo nên một thị trường chợ đen mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Theo công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 20 về cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người thì giá bán một quả thận tại Mỹ là 30.000 USD, Peru 10.000 USD, Thổ Nhĩ Kỳ từ 5.000-10.000USD, Nam Phi: 3.000-20.000 USD, Ấn Độ: 1.000-2.000 USD...

 

Những việc làm này đều được các quốc gia coi là phi đạo đức và có những quy định nghiêm cấm thương mại hóa. Tại Việt Nam, trong Dự án xây dựng Luật về hiến lấy, gép mô, bộ phận cơ thể sẽ quy định rất cụ thể và chặt chẽ nhằm tránh hiện tượng tượng thương mại hoá vấn đề mang tính nhân văn này.

Trong khi đó, chi phí cho một ca ghép thận ở nước ngoài cao hơn rất nhiều so với trong nước. Chẳng hạn, chi phí cho một ca ghép thận tại Trung Quốc là 30.000 USD, ở Việt Nam chỉ là 3.500 USD.

 

Giải thích nguyên nhân của những số liệu nghịch lý này, bác sỹ Ngô Thị Khánh- chuyên gia cao cấp của tổ chức ORBIS quốc tế tại Việt Nam cho hay: Nhu cầu được gép tạng ngày càng cao mà nguồn cung cấp thì rất hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều bệnh nhân phải đợi nhiều tháng, thậm chí đợi nhiều năm để mong cơ hội khỏi bệnh và cũng đã rất nhiều bệnh nhân không đủ thời gian để đến lượt được ghép.

 

Những người sắp chết trông chờ vào Luật

 

Được biết, nguồn cung cấp mô, bộ phận cơ thể người từ trước đến nay được lấy từ 2 nguồn chính: từ tử thi (hoặc chết não) và nguồn cho sống. Một chuyên gia đầu ngành về ghép tạng cho biết: "Về nguồn cung cấp mô, tạng, tôi cho rằng Việt Nam không thiếu. Một năm cả nước có hơn 12.000 người chết vì tai nạn giao thông. Nhiều chuyên gia quốc tế đến Việt Nam và đã ngạc nhiên hỏi chúng tôi sao Việt Nam không ghép tạng từ tử thi".

 

Lý giải về điều này, theo TS Cương, trước đây, một số trường hợp ghép được các bác sĩ lấy mô, bộ phận từ người chết vô thừa nhận nhưng do chúng ta chưa có luật quy định về ghép mô, bộ phận cơ thể người nên việc này bắt buộc phải dừng lại. Thêm vào đó, nhận thức của cộng đồng về hiến, lấy, ghép mô, tạng và giác mạc còn phiến diện và không chính xác. Nhiều người chỉ biết ghép giác mạc là liên quan đến mắt, thậm chí có người hiểu là khoét mắt của người này cho người khác.

 

Khi hỏi về vấn đề hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, một người dân ở Hà Nội trả lời: "Người Á Đông vốn quan niệm khi chết phải toàn thây, không muốn mất mát gì, vậy ai nỡ để người thân khi chết lại bị thiếu đi một phần cơ thể".

 

Do vậy, nguồn cung cấp chính cho các ca ghép mô, bộ phận cơ thể từ trước đến nay chủ yếu là từ người cho sống và là người thân có cùng huyết thống (cha mẹ cho con, hoặc anh chị em ruột cho nhau).

 

Trong quy hoạch phát triển ngành ghép tạng Việt Nam đến năm 2010, chỉ tiêu ghép 1.000 ca ghép thận/năm, 80-100 ca ghép gan/năm, 20-30 ca ghép tim/năm và 10-15 ca ghép phổi/năm.

 

Dù vậy, kết quả điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, vẫn còn hơn 50% dân cư chưa sẵn lòng chấp nhận đối với việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của người thân cho dù đã chết với những lý do như: sợ có lỗi với người chết. Đây thực sự là những rào cản không dễ gỡ bỏ trong tâm thức của cộng đồng. Ngoài ra, để thực hiện được chỉ tiêu trên, cũng cần tạo ra một hành lang pháp lý cho ngành tạng Việt Nam.

 

Năm 2005 Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, gép mô, bộ phận cơ thể người và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Vì tính cấp thiết và tầm quan trọng của vấn đề này nên Dự thảo Pháp lệnh đã được nâng lên thành Dự ấn xây dựng Luật về hiến lấy, gép mô, bộ phận cơ thể người. Hy vọng khi Luật ra đời sẽ cải thiện được tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn mô, bộ phận cơ thể, hy vọng sống của nhiều bệnh nhân.

 

Phạm Thanh