"Nghiện" thuốc bổ!

Hiện nhiều người đang rơi vào tình trạng "nghiện" thuốc bổ, không có thuốc bổ, họ cảm thấy bứt rứt, mỏi mệt, căng thẳng...

Không bổ dọc, cũng bổ ngang

 

Đang ngon giấc, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, 58 tuổi, giật mình tỉnh dậy để lục thuốc uống. Chẳng bệnh gì nhưng mỗi ngày, thực đơn giúp bà vui sống chính là những viên thuốc bổ. “Không có những viên đỏ đỏ, xanh xanh này là tôi buồn lắm” - bà Hằng cho biết như vậy.

 

Ba năm trở lại đây, thực đơn mỗi ngày của bà Hằng là: 1 viên thuốc bổ từ sụn cá mập được đặt mua từ bên Mỹ, 1 viên Ginseng chiết xuất từ nhân sâm và 1 viên Livial dành cho tuổi mãn kinh. Bà Hằng chia sẻ: Tuyệt đối không được quên uống thuốc Livial vì đây là một loại thuốc dành riêng cho tuổi mãn kinh, nhất là tuổi của tôi rất dễ “bốc hỏa”, chưa kể thuốc này còn chống loãng xương và ngăn ngừa lão hóa. Bởi thế nên giá hơn 400.000 đồng/vỉ, tôi vẫn phải ráng mua. Ngày nào mà quên uống là cảm giác mặt mày xây xẩm?!

 

Bà Hằng cũng cho biết thêm, dù được vài bác sĩ khuyến cáo là không nên dùng chung thuốc bổ với thuốc chứa nhân sâm vì sâm có tính hàn nên sẽ vô hiệu hóa một số loại thuốc khác nhưng quan điểm của bà là “chẳng sao cả, vì đã uống thuốc bổ thì không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang”.

 

 Anh Hoàng Ngọc Sĩ, giám đốc nhân sự của một công ty nước ngoài tại TPHCM, cũng xem thuốc bổ là công cụ đắc lực để làm việc hiệu quả. Anh Sĩ giải thích: Nếu không bổ sung thuốc bổ thì chắc tôi sẽ bị stress trong công việc. Mỗi ngày anh uống 1 viên vitamin A để tăng thị lực vì thường xuyên làm việc với máy vi tính; 1 viên vitamin D tốt cho xương vì suốt ngày giam mình ở văn phòng; 1 viên vitamin B1 tốt cho thần kinh và 1 viên khoáng chất Omega – 3 để bảo vệ tim giúp vượt qua những giai đoạn căng thẳng trong công việc. “Ngày nào đi làm mà lỡ không mang theo thuốc là không có hứng làm việc và phải chạy ngay về nhà để lấy thuốc”...

 

Khi được hỏi “Có lo lắng gì khi sử dụng thuốc bổ kéo dài từ 1 – 3 năm hay không?”, phần lớn những người này không tỏ vẻ lo lắng đến tác hại và đều có chung suy nghĩ “đã là thuốc bổ thì không thể gây hại được!”. Mặt khác, hiện nay, nhiều người đang có xu hướng gửi mua thuốc bổ tổng hợp Move – Free sản xuất từ Mỹ (hàng xách tay) được quảng cáo bảo đảm bổ từ đầu đến chân.

 

Trẻ em cũng lạm dụng thuốc bổ

 

Từ lúc 6 tháng tuổi, cháu N.H.T, ngụ ở quận 5 - TPHCM đã được mẹ tự ý cho uống thuốc bổ với mục đích để thông minh và bớt biếng ăn. Mẹ cháu T. kể, cháu T. rất lười ăn, mỗi bữa ăn phải kéo dài 1 - 2 giờ. Vì vậy, chị đã phải mua xirô bổ và men tiêu hóa cho con uống. Tình trạng biếng ăn vẫn không hề cải thiện.

 

Với phương châm “thua keo này ta bày keo khác” nên chỉ cần quảng cáo nào nói uống thuốc này vào sẽ bớt biếng ăn, trẻ mau lớn, chị đều thử cả. Mãi đến khi cháu được 18 tháng tuổi, tình trạng biếng ăn tỏ ra nặng hơn, chị mới chịu đến bác sĩ dinh dưỡng khám. Chị đã phải giật mình khi bác sĩ yêu cầu việc đầu tiên để điều trị bệnh biếng ăn cho con chị là phải chấm dứt việc uống các loại thuốc bổ này.

 

Các bác sĩ dinh dưỡng cho biết, đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ lạm dụng thuốc bổ trong thời gian gần đây. Chính vì quan niệm sai lầm rằng trẻ uống thuốc bổ vào sẽ thông minh, chóng lớn và sẽ chữa được bệnh biếng ăn nên nhiều bà mẹ ra sức bồi bổ cho trẻ bằng thuốc bổ.

 

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TPHCM, cho biết trong thuốc bổ gồm có vitamin, chất khoáng và một số loại axít amin. Với người lớn và ngay cả trẻ em, chỉ cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý đã cung cấp đầy đủ các loại chất cần thiết cho cơ thể. Còn bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết thuốc bổ cũng có một số tác dụng phụ như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ chứ không phải “không bổ dọc cũng bổ ngang” như nhiều người nghĩ.

 

Uống thuốc bổ quá liều lượng sẽ gây bệnh ung thư

 

Bác sĩ Trần Quốc Cường, Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết thuốc bổ chỉ cần cho một số đối tượng như người già không ăn được, trẻ bị bệnh lý, phụ nữ mang thai... Những người khỏe mạnh không nên lạm dụng thuốc bổ vì uống quá liều lượng trong một thời gian dài sẽ gây bệnh.

 

Cụ thể, uống quá nhiều vitamin A sẽ gia tăng nguy cơ ung thư phổi, uống quá nhiều chất kẽm sẽ gây tổn thương hệ miễn dịch, uống quá nhiều ma-giê sẽ gây rối loạn thần kinh cơ, uống nhiều vitamin C, sắt sẽ gây đau bụng, tiêu chảy...

 

Theo Mai Vân - Thùy Dương

Người lao động