TPHCM:

Nghỉ hè, bệnh tay chân miệng vẫn tăng!

(Dân trí) - Dự báo, cuối tháng 6 đầu tháng 7, khi trẻ nhập học trở lại, bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Và trên thực tế, trong hơn một tuần qua, bệnh có dấu hiệu gia tăng.

Theo ghi nhận của Dân trí tại khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 16/6, số ca bệnh đông nên bệnh nhi phải nằm ghép và thậm chí là phải trải chiếu nằm cả trên lối đi ở hành lang.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Nhi Đồng 1
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Nhi Đồng 1

Bế cậu con trai Bùi Hoàng Anh (2 tuổi) đang lên cơn sốt cao, liên tục kêu khóc, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (ngụ tại quận Bình Tân) cho biết: “Cuối tuần trước, thằng bé sốt cao tới 39,50C, tay chân run, loét họng miệng có biểu hiện co gồng, giật mình. Tôi đưa con đến Nhi Đồng 1 thăm khám, bác sĩ xác định bé bị tay chân miệng nên cho nhập viện điều trị. Tôi khá kỹ lưỡng trong việc nuôi con nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cơ thể cho bé nhưng không hiểu sao con tôi vẫn nhiễm bệnh”.
 
Nằm cùng phòng với bé Hoàng Anh là trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Huỳnh Quang Khải (3 tuổi, ngụ tại Cái Bè, Tiền Giang). Chị Nguyễn Thị Hiệp (mẹ bé Khải) cho biết: “4 ngày trước, con tôi bị sốt cao, loét họng, tôi đưa bé đến bệnh viện địa phương khám, bác sĩ kết luận sốt do viêm họng và cho thuốc về nhà uống. Sáng hôm sau, tình trạng bệnh của bé chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, chân tay nổi bóng nước. Tôi đưa con thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi thăm khám bác sĩ cho nhập viện điều trị”.
 
BS Dư Tuấn Quy, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Những tuần trước, trung bình chỉ có khoảng 40-50 ca bệnh tay chân miệng phải nằm viện điều trị, nhưng hiện nay số ca bệnh tại khoa đã lên tới 83 trường hợp, trong đó có 2 ca nặng độ III. Bệnh tay chân miệng thường diễn ra theo chu kỳ từ 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Hiện đang là đỉnh thứ nhất trong năm của dịch tay chân miệng”.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết: “Hiện mỗi ngày bệnh viện đang tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 40 trường hợp mắc tay chân miệng. So với thời điểm của những tháng đầu năm, khoảng 2 tuần trở lại đây, bệnh đang có biểu hiện tăng tuy không nhiều nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi hiện tại trẻ đang trong thời gian nghỉ hè. Vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhiều trường mầm non, trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu nhận học sinh trở lại khi đó nguy cơ trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tăng cao nếu không triển khai các giải pháp phòng bệnh hiệu quả”.

Hành lang bệnh viện được tận dụng để kê thêm giường, trãi chiếu và giăng võng
Hành lang bệnh viện được tận dụng để kê thêm giường, trải chiếu và giăng võng

Trao đổi về kỹ năng phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ trong cộng đồng, BS Tuấn Quy nhận định: “Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, tập huấn của ngành Y tế cũng như các phương tiện truyền thông, ý thức và kiến thức phòng bệnh tay chân miệng nói riêng và phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung cho trẻ của các bậc phụ huynh và giáo viên mầm non, mẫu giáo đã đạt được tín hiệu vui. Qua điều tra bệnh sử của bệnh nhi khi đến khám và điều trị, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bệnh mới chớm tới nhưng trẻ đã được đưa đi khám. Hỏi ra thì phụ huynh cho biết cô giáo là người phát hiện bệnh của trẻ nên tư vấn cho gia đình. Nhiều phụ huynh cũng biết làm “bác sĩ” cho con mình khi sớm xác định được những biểu hiện của bệnh nhờ đó thời gian qua số ca bệnh nặng đã giảm hẳn”.

Tay chân miệng là bệnh chưa có vắc-xin dự phòng, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đối với người chăm sóc trẻ, ngoài việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn; rửa tay trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hoặc mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, bát, đĩa, muỗng… Đồ chơi, khu vực sàn vui chơi của trẻ cần được rửa sạch, lau sạch hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn; thu gom chất thải của trẻ đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ, kịp thời phát hiện, cách ly và đưa ngay đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời. Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến trường hoặc vui chơi với các trẻ khác để hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh.

 

Vân Sơn