Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến cái chết

(Dân trí) - Nghiên cứu được thực hiện tại BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, tỉ lệ trẻ 14 - 15 tuổi tự tử rất cao, chiếm gần 66% số trường hợp tự tử khiến không ít người giật mình…Những đối tượng khác cũng dễ dàng tìm đến cái chết vì nhiều lý do…

101 lý do tìm đến cái chết

Vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh Hải Dương vào đầu năm 2006 khiến cả xã hội “rúng động” vẫn chưa hết dư âm, đến vụ 3 học sinh ở Đăk Nông rủ nhau cùng chết hồi tháng 3/2012 khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Nhưng đó chỉ là những thông tin được công bố trên báo chí, còn trên thực tế, còn rất rất nhiều những ca tự tử đau lòng ở giới trẻ.

Sáng 7/9, tại hội thảo về truyền thông với vấn đề tự tử do Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý tổ chức, nhiều chuyên gia đã cùng chia sẻ, thảo luận nhằm đưa ra cách truyền thông hiệu quả để có tác động giảm số ca tự tử ở người trẻ.
 
Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến cái chết

Chia sẻ tại hội thảo, Thiếu tá Lê Đức Đoàn, cảnh sát giao thông đội 1, Công an TP Hà Nội cho biết, trong hơn 30 năm làm trong nghề và 10 năm làm việc tại khu vực cầu Chương Dương, bản thân ông đã chứng kiến, ngăn chặn nhiều vụ tự tử trên cầu.

“Có người đi xe máy, đi xe ôm, hoặc đang đi xe bus đến giữa cầu tắc đường có thể nhảy xuống cầu ngay. Đối tượng tự tử phần lớn là phụ nữ trẻ. Mới đây, một người mẹ ở quận Đống Đa chở con gái 9 tuổi ra cầu Chương Dương định tự tử, người mẹ định đẩy con gái xuống trước, còn mình quyên sinh theo sau. Rất may mắn, khi nhận được tin báo của quần chúng, mọi người đã động viên, cứu được hai mẹ con trước khi nhảy xuống”, Thiếu tá Đoàn nói.

Tại hội thảo, kết quả nghiên cứu của bác sĩ Bùi Quốc Thắng và Nguyễn Lê Anh Tuấn, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (2001-2002) cũng được chia sẻ. Theo đó, trẻ ở lứa tuổi từ 14-15 tự tử rất cao, chiếm gần 66% số trường hợp. Trong đó, nữ nhiều hơn nam, chiếm gần 61%. Nguyên nhân tìm đến cái chết của trẻ chủ yếu là do xung đột gia đình, chiếm đến gần 88%, hình thức phổ biến nhất là bằng hóa chất (thuốc ngủ, thuốc diệt chuột, trừ sâu). Đến 97,6% là trẻ tự tử ở nhà và thường dễ phát hiện. Tuy nhiên sau khi tự tử không có trường hợp nào thông báo cho người nhà biết và có tới 85,4% trẻ là không làm gì cả cho đến khi có triệu chứng được người nhà phát hiện.

Nghiên cứu của Phan Thị Hòa, bác sĩ Huỳnh Đình Đồng và cộng sự tại Đà Nẵng năm 2004 cũng cho thấy, số ca tự tử năm 2004 tăng gấp 4 lần so với 2003 (487 ca). Riêng tại bệnh viện Đà Nẵng có 148 bệnh nhân tự tử vào viện, nữ chiếm hơn 60%, độ tuổi từ 25-44.

Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 được thực hiện vào cuối năm 2008 cũng đưa ra những con số đáng báo động. Gần 27% số người được hỏi rơi vào tình trạng rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động bình thường. So với cuộc điều tra cách đây 5 năm cho thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. 21% hoàn toàn thất vọng về tương lai.

Bà Phùng Minh Trang, Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý cho biết, xu hướng tự tử tăng không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có xu hướng này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế Giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử trên thế giới, tăng 60% so với 50 năm qua. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể sẽ tăng lên thành 1,5 triệu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.

Theo bà Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý cho biết, phần lớn người tự tử là người trẻ và số đông họ là những người bình thường, chỉ có một số ít được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần.

Chia sẻ về hiện tượng tự tử ở người trẻ ngày càng có xu hướng tăng, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng: “Bản năng trong mỗi người là bản năng sống. Trong lúc khó khăn nhất, tưởng như không vượt qua nổi, thậm chí cái chết cận kề nhưng bằng mọi cách con người đều cố vượt lên. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều người trẻ tự tử, vậy nguyên nhân do dâu? Những sự việc tưởng như rất bình thường với người lớn, đó chỉ đơn giản là lời mắng nhiếc trẻ, hay trẻ vì lý do gì đó mà giận dỗi bố mẹ, giận dỗi bạn bè, hay đơn giản chỉ là buồn vu vơ… Tất cả những sự việc rất đột xuất, không lên kế hoạch trước đó có thể trở thành tác nhân khiến sức chịu đựng của trẻ không vượt qua nổi và có những phản ứng, hành động đột ngột, dẫn đến tự tử”, TS Tuấn nhận định.

Có thể phòng tránh

Theo bà Vân Anh, tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được nhưng những người xung quanh lại chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn ý định này. Cũng theo bà, nhiều người cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác, nhưng chỉ số rất ít bày tỏ bằng cách nói chuyện. Một nghiên cứu cho thấy, có 13/19 người tự tử đã cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác, nhưng chỉ có 3 trường hợp bày tỏ bằng cách nói chuyện

“Làm thế nào để đối mặt, vượt qua những khó khăn, nhất là ở những người trẻ bởi đây là lứa tuổi còn bồng bột, bộc phát trong hành vi? Cần tăng cường khả năng đương đầu với khó khăn cho thanh thiếu niên, xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè trên tinh thần cởi mởi, giao tiếp tốt và bình đẳng", bà Vân Anh chia sẻ.

Việt Nam chưa có hệ thống phòng chống tự tử một cách chuyên nghiệp, cũng như chưa có nhiều tổ chức, chương trình hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tự tử.

Cùng quan điểm này, TS Tuấn cho rằng, đến hiện nay, tỷ lệ bao nhiêu trẻ dẫn đến hành vi bột phát, ý định tự tử và tự tử chúng ta chưa hề có nghiên cứu. Khi có nghiên cứu, chúng ta sẽ phát hiện được trong số các em học sinh đó, ai là đối tượng có nguy cơ cao có những hành vi tiêu cực để hỗ trợ..

“Phải giúp trẻ hoàn thiện con người xã hội. Làm sao đó để trẻ nhìn nhận, cảm nhận, lắng nghe được những cái hình ảnh thực tế càng theo hướng tích cực bao nhiêu càng giúp trẻ dần lớn lên, giúp trẻ phân tích làm thế nào là tốt. Quá trình dạy dỗ rất quan trọng từ nhỏ tại gia đình. Không cần nói trực tiếp với trẻ mà trẻ quan sát qua cách người lớn xử lý tình huống.
 
Xã hội (từ cộng đồng, nhà trường, nơi sinh sống) có quá nhiều thông tin tiêu cực đối với trẻ tạo cho trẻ cảm xúc, cái nhìn, nhận định, phân tích đi theo hướng tiêu cực thì sẽ có những hành động tiêu cực và ngược lại. Vì thế, xã hội cần quan tâm tìm hiểu, tạo điều kiện tốt để con người xã hội trong trẻ hoàn thiện để trẻ có thể đương đầu, vượt qua được những khó khăn sẽ hạn chế được hành vi tiêu cực của trẻ”, TS Tuấn nói.

 Hồng Hải