Hệ lụy từ sự phát triển thiếu đồng bộ:

Ngày càng nhiều bệnh lạ xuất hiện

Ngày nay, cùng với sự phát triển thiếu đồng bộ trong phát triển đô thị là sự gia tăng của nhiều loại bệnh lạ, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm. Một trong những tác nhân trực tiếp chính là những thực phẩm chế biến sẵn với hàm lượng lớn hoá chất, chất bảo quản ngoài danh mục.

Tuy chưa có điều tra xã hội học tầm cỡ để đưa ra thống kê chính xác, song  qua các lần khảo sát môi trường, dịch bệnh, các nhà chuyên môn ngành y tế tại TPHCM đã đưa ra nhận định đáng chú ý trên.

 

Rubella - một trong những bệnh “lạ” mới

 

Cách đây khoảng 3 năm, khi lần đầu tiên xuất hiện với một số lượng lớn người bị nhiễm bệnh, rubella bị cho là một bệnh lạ, bởi  hầu hết người dân chưa hiểu được cơ chế lây cũng như phát triển bệnh như thế nào. Còn theo lời giải thích từ phía các nhà chuyên môn -  TS-BS Cao Minh Nga - giảng viên bộ môn vi sinh Trường ĐH Y - Dược TPHCM thì vì lâu nay, bệnh chỉ xảy ra rải rác.

 

Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh không hề thể hiện ra triệu chứng lâm sàng (chiếm khoảng 25%) nên đã có những thai phụ bị sẩy thai mà không hề hay biết nguyên nhân cũng như bệnh mà mình đã nhiễm.  Ngoài ra, cũng do không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh (do mẹ bị nhiễm rubella ngay từ  khi mang thai) mà có đến 20% số trẻ  đã bị nhiễm bệnh khi còn là bào thai, đến khi sinh ra đã mắc những căn bệnh bẩm sinh, như  mù mắt hoàn toàn hoặc một phần, điếc, thậm chí là chậm phát triển tâm thần, các kỹ năng vận động... Cũng vì không phát hiện bệnh nên những trường hợp này chính là nguồn lây nhiễm cho người khác.

 

Còn  theo một nghiên cứu trên diện nhỏ của ĐH Y - Dược TPHCM vừa thực hiện trong năm, đã  khẳng định: Đa số bệnh được phát hiện từ các công nhân, các khu chế xuất; hoặc tập trung tại các nhà trọ, mật độ dân cư đông.

 

Số người mắc bệnh ung thư và các bệnh khác gia tăng

 

Nhận định này được GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đưa ra. Theo ông, cùng với sự phát triển kinh tế, những khu công nghiệp, nhà máy mọc lên... những chất thải của  những khu vực này nếu không được xử lý theo tiêu chuẩn sẽ là nguồn gây bệnh cho cộng đồng dân cư của những khu vực đó.

 

Tốc độ phát triển kinh tế càng nhanh thì kéo theo đó là những yêu cầu của con người về vật chất (thức ăn, nước uống...). Nếu những nguồn thực phẩm này ô nhiễm, hệ quả tất yếu là ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người tiêu thụ sản phẩm đó.  

 

Những nghiên cứu  không chỉ của ngành y tế ta thực hiện, mà của một số nước trên thế giới cũng đã khuyến cáo: Cuộc sống công nghiệp khiến người ta thay đổi lối sống, tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân nguy hại đến sức khoẻ như: Thực phẩm có chứa nhiều hoá chất (nhất là những hoá chất ngoài danh mục y tế cho phép), thực phẩm biến đổi gene, thức ăn nhanh... Trên nền tảng đó, ung thư cùng nhiều bệnh khác như tim mạch, mạch máu, tiểu đường... đều gia tăng.

 

Có thể nói, chỉ có quy hoạch đồng bộ về cả đầu tư y tế, môi trường song song với phát triển khu dân cư, khu công nghiệp mới... thì mới có thể hạn chế được những “hệ lụy” của việc phát triển kinh tế và xã hội.

 

Theo Thể Uyên

Lao Động