Ngất xỉu sau ăn: đâu phải trúng thực

Nhiều bệnh nhân, khi bản thân họ hay người nhà xảy ra cơn ngất sau bữa ăn, hay cho rằng do ngộ độc thực phẩm. Sự thật không phải như vậy, các biểu hiện của ngộ độc nếu có, không diễn tiến bằng cơn ngất bất ngờ ngay sau khi vừa ăn xong.

Do tụt huyết áp!
  

Do tụt huyết áp!

 

Sau bữa ăn, một lưu lượng máu lớn được chuyển đến dạ dày và ruột để giúp cho quá trình tiêu hoá. Do não bộ và phần còn lại của cơ thể vẫn cần đến máu và oxy, các mạch máu thường co lại và nhịp tim tăng nhẹ để duy trì lưu thông máu đến não. Ở những người bị chứng hạ huyết áp, sau khi ăn các mạch máu không co lại được dẫn đến tụt huyết áp, hậu quả là ngất xỉu.

 

Ai dễ là nạn nhân?

 

Ngất xỉu sau khi ăn gặp phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, do cơ chế bù trừ cho phép các mạch máu co lại khi lưu lượng máu được chuyển hướng đến dạ dày và ruột sau khi ăn không còn hoạt động tốt ở người có tuổi. Ngất xỉu sau ăn cũng phổ biến hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường và người có một số rối loạn về thần kinh, như bệnh Parkinson gây thay đổi các đường dẫn tín hiệu thần kinh kích thích các mạch máu co lại. Ngất xỉu sau khi ăn cũng phổ biến hơn ở những bệnh nhân bị thiếu nước hoặc thiếu máu.

 

Để xác định tụt huyết áp có phải là nguyên nhân gây ngất sau khi ăn, cách tốt nhất là đo huyết áp trước khi ăn và sau đó mỗi 20 phút sau bữa ăn, trong hai giờ liên tiếp. Ở những người bị tụt huyết áp sau ăn, huyết áp thường giảm trong thời gian này, phổ biến nhất là trong vòng 30 phút sau ăn.

 

Cách phòng tránh

 

Điều quan trọng là bệnh nhân cần được thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng kỹ để loại trừ những nguyên nhân nghiêm trọng về tim mạch có thể gây ra chứng ngất xỉu. Sau khi đã xác định ngất xỉu là do hạ huyết áp tư thế, những thay đổi đơn giản về lối sống có thể được thực hiện: nên ăn ít một và từ từ; tránh uống rượu và các bữa ăn nhiều carbohydrate vì có thể làm tình trạng thêm trầm trọng; cafeine có thể làm giảm nguy cơ ngất xỉu sau khi ăn bằng cách kích thích gây co thắt mạch máu, nhưng chỉ nên dùng vừa phải.

 

Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc huyết áp và thuốc tim mạch có thể tạo điều kiện cho chứng ngất sau ăn dễ xảy ra hơn. Tránh dùng những thuốc loại này gần các bữa ăn chính.

 

Bằng cách thay đổi lối sống dưới sự giám sát của bác sĩ, nguy cơ ngất xỉu sau khi ăn có thể được giảm thiểu ở hầu hết các trường hợp.

 

Theo BS Đồng Ngọc Khanh

Sài Gòn tiếp thị