Ngăn ‘bùa lưỡi’ vây học đường

Ma túy “tem giấy” là chất hướng thần, gây nghiện. Công an các địa phương phải chủ động ngăn ngừa, tuyên truyền cho phụ huynh, giới trẻ né xa.

Trước thông tin gần đây xuất hiện một loại ma túy dạng miếng giấy, có tên gọi là “tem giấy”, “bùa lưỡi” lan truyền trong giới trẻ, có biểu hiện xâm nhập vào học đường, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Phòng CSĐT tội phạm về ma túy các địa phương đề nghị chủ động rà soát, xử lý mạnh tay những kẻ tàng trữ, mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng loại ma túy này.

C47 cũng yêu cầu công an các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan tuyên truyền về loại ma túy giấy này cùng tác hại khôn lường của nó.

Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, cho biết: “Tem giấy”, “bùa lưỡi” là ma túy có tên khoa học là Lysergic Acid Diethylamide (LSD). Đây là chất ma túy nằm trong Danh mục I, Nghị định 82/2013 của Chính phủ, bị tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống.

Mỗi gói “tem giấy” 10 tấm này đang được rao bán với giá 150.000 đồng. Ảnh: TƯ LIỆU
Mỗi gói “tem giấy” 10 tấm này đang được rao bán với giá 150.000 đồng. Ảnh: TƯ LIỆU

“LSD được tẩm trên các miếng dán giấy giống hình tem thư với các loại hình thù ngộ nghĩnh, đa dạng. LSD là ma túy kích thích thần kinh cực mạnh, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng làm cho người dùng có cảm giác thất thường, hoang tưởng, rối loạn vị giác, gây ảo giác” - ông Nhận nói.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma túy, Bộ Công an, cho biết “bùa lưỡi” hay “tem giấy”… chỉ là tên gọi đường phố của ma túy LSD. Loại ma túy này đã xuất hiện từ lâu ở nước ngoài, du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5 x 1,5 cm. “Tem giấy” được gắn một lớp giống nylon mỏng, tan trong nước và chất cồn. Nó tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua vị giác - lưỡi.

Thời gian để “bùa lưỡi” tan hết trong miệng thường là ba giờ, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng gây ra các ảo giác mạnh. Người sử dụng LSD sẽ có những nhận thức sai lệch, không chính xác về âm thanh, hình ảnh, màu sắc mà bình thường không thể tưởng tượng được như đang đứng mà tưởng đang bay, hình ảnh bị xô lệch, ngưng trệ… Tác động của LSD có thể kéo dài tới vài ngày.

““Bùa lưỡi”, “tem giấy” là ma túy gây nghiện, kích thích ảo giác, gây hại nhất trong bảng thống kê các chất ma túy tổng hợp. Ảnh hưởng LSD là không thể lường trước được. Do vậy, giới trẻ cần tránh xa và không thử dù chỉ một liều duy nhất” - ông Ninh cảnh báo.

Theo ông Ninh, ngoài các biện pháp đấu tranh chủ động của công an, chính quyền thì phụ huynh cũng lưu tâm giáo dục con em nhận biết về ma túy “tem giấy” để các cháu không thử hay tò mò sử dụng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại ma túy “tem giấy”, “bùa lưỡi”, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-10.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD.

Theo Ngọc Bảo

Pháp luật TPHCM