Ngậm tăm khi uống bia, bệnh nhân suýt mất mạng

(Dân trí) - Trong lúc uống bia, bệnh nhân nuốt cả cây tăm đang ngậm trong miệng nhưng không biết. Cây tăm với 2 đầu nhọn đã xuyên thủng rột non, ghim vào đầu tụy gây nhiễm trùng khiến nạn nhân suýt mất mạng.

Cây tăm theo bia trôi vào đường ruột nên ông H.Q. không cảm nhận được
Cây tăm theo bia trôi vào đường ruột nên ông H.Q. không cảm nhận được

Tai nạn hi hữu trên xảy đến với ông H.Q. (51 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM). Khoảng 2 tuần trước khi vào viện vì những cơn đau âm ỉ, ông có cuộc nhậu với người thân. Như thường ngày ông có thói quen ngậm tăm để loại bỏ thức ăn dính vào kẽ răng trong lúc ăn vì thế khi hưng phấn uống cạn ly bia ông làm mất cây tăm nhưng không biết đi đâu.

Gần nửa tháng sau cuộc nhậu, ông bị đau bụng âm ỉ mức độ đau ngày càng tăng. Người bệnh đến bệnh viện trên địa bàn để kiểm tra thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày và cho thuốc về uống. Tuy nhiên, sau nhiều ngày sử dụng thuốc, người bệnh rơi vào tình trạng sốt cao, lơ mơ, những cơn đau ngày càng dữ dội, phải nhập viện cấp cứu.

Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh, bác sĩ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát hiện hình ảnh cản quang là dị vật như cây tăm nhọn 2 đầu ở vùng bụng của bệnh nhân. Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định thực hiện nội soi lấy dị vật. Hình ảnh qua camera nội soi xác định dị vật trong cơ thể bệnh nhân là cây tăm đã đâm thủng tá tràng (ruột non) xuyên vào đầu tụy khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.

Chỉ vì thói quen ngậm tăm khí ăn uống, người đàn ông đã suýt mất mạng
Chỉ vì thói quen ngậm tăm khí ăn uống, người đàn ông đã suýt mất mạng

Cây tăm dài 3cm được lấy ra ngoài nhưng một phần rất nhỏ của đầu tăm đã bị mục còn sót lại tiếp tục gây nhiễm trùng khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, nguy kịch tính mạng. Xác định việc phẫu thuật để lấy dị vật ở vị trí đầu tụy là rất khó, có thể gây tổn thương ống tụy, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, các bác sĩ đã quyết định điều trị nội khoa tích cực, sử dụng kháng sinh mạnh. Hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã vượt qua được nguy hiểm, sức khỏe bình phục tốt.

Thực tế đã có nhiều người bị thủng đường tiêu hóa vì thói quen ngậm tăm khi ăn uống hoặc sau khi ăn và ngậm tăm đi ngủ khiến tăm “trôi” vào đường ruột. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cận thận sử dụng tăm trong lúc ăn uống, bỏ thói quen ngậm tăm để tránh gặp phải tai nạn tương tự ca bệnh trên. Khi có biểu hiện đau bụng bất thường hoặc nghi ngờ mình đã nuốt phải tăm, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Vân Sơn