Nếu bạn đang mong có bé

(Dân trí) - Bạn đã rất sẵn sàng để có một nhóc con. Hãy nhắc nhở chàng và chuẩn bị mọi thứ cho “cuộc gặp gỡ”. Bạn có rất nhiều thời gian và hãy chuẩn bị mọi thứ để bé yêu phát triển hoàn thiện ngay từ khi còn là bào thai bé xíu nhé.

Dưới đây là những nguyên tắc và sự chuẩn bị cần thiết:

 

Sức khỏe của bố mẹ

 

Trước khi cưới và có kế hoạch sinh bé, bạn nên đến các trung tâm Kế hoạch hóa gia đình, các trung tâm y tế.

 

Bạn cũng nên tự trả lời câu hỏi: Mình biết gì về phả hệ của gia đình nhà mình và của người chồng tương lai?

 

Hãy quan tâm tới tất cả các thành viên bị bệnh di truyền trong gia đình mình cũng như những trường hợp mang thai không thành công. Bạn biết đấy, các bệnh di truyền thường xuất hiện ở trẻ dù cha mẹ chúng không có bất cứ biểu hiện gì.

 

Trong thời kỳ mang thai, điều quan trọng là công việc của bạn không được liên quan với bất cứ thứ gì có thể gây độc hại. Những nhân tố này thường là: hóa chất (khi làm nông nghiệp, làm việc trong phòng thí nghiệm có các hợp chất độc, đặc biệt là các loại hóa chất có khả năng bay hơi); lao động chân tay (làm việc có liên quan với sự rung chấn, tiếng ồn lớn và sóng cao tầng); công việc có liên quan tới nhịp sinh học (làm ca, làm đêm). Những nghiên cứu luôn cho thấy các công việc này luôn gây hại cho thai phụ và thai nhi.

 

Những nghiên cứu

 

Kinh nghiệm cho thấy khi càng có nhiều nghiên cứu thì bạn càng có khả năng được xếp vào một trong các nhóm có nguy cơ cao và nên trì hoãn việc mang bầu. Vậy phải chăng là cứ trì hoãn mãi việc mang bầu? Hay là ngừng hẳn?

 

Thực ra, các nghiên cứu này đều chốt lại rằng: “Bạn cần loại trừ những yếu tố này, yếu tố kia để có một đứa con khỏe mạnh hơn”.

 

Hút thuốc và uống rượu

 

Cần phải dứt khoát bỏ thuốc và không uống dù chỉ một giọt rượu trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ.

 

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thể phụ nữ nhạy cảm với những ảnh hưởng từ nicotine hơn nam giới. Sự nhạy cảm này tăng lên khi mang thai. Khi phụ nữ hút thuốc, khói thuốc sẽ xâm nhập vào nhau thai qua máu, ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận trong cơ thể thai nhi, đặc biệt là hệ thống thần kinh. Ngoài ra, nhau thai cũng có khả năng tích lũy chất nicotine và nó tiếp tục tác động lên bào thai kể cả khi người phụ nữ ngừng hút thuốc.

 

Hãy nhớ: không 1 chút nào hết, dù chỉ 1 giọt rượu! Các bác sĩ Pháp đã tiến hành theo dõi các gia đình uống rượu trong nhiều năm và chứng minh được ảnh hưởng của rượu đối với não bộ. 57 đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình này thì có 25 đứa trẻ chết khi chưa được 1 tuổi, 5 đứa bị mắc chứng động kinh, 12 đứa thuộc diện chậm phát triển và chỉ có duy nhất 10 đứa khỏe mạnh, bình thường. Chắc chắn là bạn không muốn bị xếp vào nhóm này rồi?

 

Dùng thuốc

 

Nhau thai không thể bảo vệ bào thai chống lại các chất hóa học đặc biệt là thuốc men. Vì vậy việc tự điều trị được xem là nguy cơ thường trực, nguy cơ đặc biệt trong quá trình thai kỳ.

 

Vậy nên trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, dù đó là loại thuốc thông dụng nhất, thuốc vô hại, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

 

Các loại thuốc kháng sinh, chống ung thư, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, an thần, hormone giới tính, dược mỹ phẩm, thuốc giảm huyết áp và nhiều loại khác đều là những chất đặc biệt nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

 

Sự nhiễm trùng

 

Điều cực kỳ quan trọng là phải tránh bất kỳ thứ gì có liên hệ với các vật chủ hay môi trường trung gian dễ mang các mầm bệnh. Cúm và ban đào (virus herpes tuýp 6) được xem là đặc biệt nguy hiểm đối với thai nhi. Những phụ nữ bị bệnh này khi nhỏ cần tuyệt đối tránh các nguồn gây bệnh.

 

Còn trong trường hợp thai phụ bị nhiễm các bệnh này thì cần phải tới bác sĩ ngay lập tức và nên quyết định ngay để hạn chế mức thấp nhất việc cho ra đời những đứa trẻ không lành lặn.

 

Dinh dưỡng thai kỳ

 

Trong suốt thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi từng ngày, cho phép cung cấp các dưỡng chất và năng lượng tối đa theo nhu cầu của thai nhi. Dinh dưỡng không hợp lý có thể dẫn tới hiện tượng sinh non, hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh…

 

Tóm lại, bạn không nên tuân theo bất kỳ chế độ ăn đặc biệt nào.

 

2 điều không được quên:

 

- Nếu bị dị ứng với một số thức ăn thì cần tránh tuyệt đối trong bất kỳ trường hợp nào.

 

- Trong giai đoạn đầu tiên của thai kỳ thường có các triệu chứng: buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt và yếu ớt; một số khác có thể thấy mất cảm giác thèm ăn, sợ ăn do sợ nôn và buồn nôn. Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng trên thì đừng uống thuốc. Cách tốt nhất là hãy uống các loại nước quả như: táo, lựu, chanh – hay các mứt quả sấy. Ăn nhiều loại quả như táo, mận, nho, cam cũng đều rất tốt.

 

Nếu bạn bị các triệu chứng trên, nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn các thực phẩm để lạnh, để nguội. Trong thời gian này, bạn nên hạn chế ăn thịt và các sản phẩm từ sữa. Nếu khó lòng từ chối món sữa, nên uống sữa chua, chúng sẽ giúp cho hệ tiêu hóa trở nên dễ dàng hơn.

 

Những thực phẩm nên ăn nhiều gồm cháo yến mạch, rau xanh, hoa quả tươi và nước quả tươi đã qua đun nấu.

 

Có một số phụ nữ nghĩ rằng họ nên ăn nhiều một số thực phẩm trong thời gian mang thai, đặc biệt là các thực phẩm giàu protein như thịt bởi họ nghĩ rằng nếu không như vậy, trẻ sẽ bị nhẹ cân và ốm yếu khi được sinh ra. Thật ra không phải vậy. Protein động vật cũng có rất nhiều trong sữa, trứng, bơ, phô mai. Ngoài ra, thực phẩm cho phụ nữ mang thai cần đơn giản, dễ tiêu hóa và có nguồn gốc tự nhiên. Tốt hơn cả là những thực phẩm giàu protein từ rau của như: các loại đậu đỗ, các loại hạt, đậu nành, ngũ cốc và gạo nguyên cám. Ăn cân đối và theo nhu cầu cơ thể vẫn là cách tốt nhất.

 

Bạn có thể ăn thịt, cá, trứng, phô mai nấu chín và tránh các loại thực phẩm hun khói như xúc xích, bánh nướng…. Nên thay đổi thực đơn các món ăn vặt 1 - 2 lần mỗi tuần.  

 

Thai phụ cũng nên uống nhiều hơn 1,5 – 2l nước/ngày. 8,5l nước sẽ được tích lũy trong cơ thể suốt quá trình mang thai, và 6l cho sự lớn lên của bào thai, còn lại là vào các cơ quan và vào máu. Một số phụ nữ thường cảm thấy khát vào 3 tháng cuối thai kỳ và uống rất nhiều. Điều này rất nguy hiểm bởi vì nó làm tăng lượng mồ hôi và khiến nhiều khoáng chất bị mất đi, tim phải hoạt động nhiều hơn, thận, mạch máu và tuyến mồ hôi cũng phải “tăng tốc”. Vì thế, trong giai đoạn giữa thai kỳ, bạn nên hạn chế ăn các loại rau quả muối chua như dưa cải, dưa bắp cải, cà, dưa chuột muối…

 

Chế độ ăn ít muối rất quan trọng trong giai đoạn thứ 2 này bởi nó ngăn ngừa chứng tê phù và giúp cho quá trình chuyển dạ được bình thường. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, lượng muối tối đa không được vượt quá 6 - 8g/ngày.

 

Ngủ

 

Phụ nữ mang thai nên ngủ 8 tiếng/ngày, gồm 1,5 - 2 tiếng vào buổi trưa.

 

Thăm khám định kỳ

 

Các thai phụ nên thường xuyên đi khám định kỳ. Nên theo dõi tại một nơi hoặc phải lưu giữ đầy đủ thông tin, hồ sơ.Theo dõi thai định kỳ giúp bác sĩ năm được quá trình lớn lên và hoàn thiện các bộ phận cơ thể của bé.

 

Ngày nay, việc theo dõi thai kỳ rất an toàn và tin cậy với các phương pháp như: siêu âm (cho biết chính xác sự phát triển, cân nặng và cả giới tính của baby), nghe tim thai (đo nhịp tim), chọc ối (kiểm tra xác định các dị tật)...

 

Cũng có những lựa chọn khác nhau giúp cho quá trình sinh bé trở nên an toàn hơn. Bạn cũng có thể tham gia các lớp học tiền sản và chăm sóc bé sau sinh giúp giảm nỗi sợ hãi khi “lâm bồn” và có thái độ hợp tác, tích cực với các bác sĩ trong quá trình chuyển dạ.

 

Trách nhiệm làm cha

 

Hỡi những ông bố tương lai! Điều khó khăn nhất đối với một bác sĩ làm cho người chuẩn bị làm mẹ bình tĩnh và tự tin trong suốt giai đoạn thai kỳ khi ở nhà, cô ấy thường xuyên trong tình trạng lo lắng, xung đột và ít được quan tâm.

 

Hãy nhớ, tất cả các bà vợ đều cần được chăm sóc. Hãy đưa vợ tới các bệnh viện uy tín để cô ý bình tĩnh và tự tin rằng mình sẽ “mẹ tròn con vuông” và rằng chồng mình luôn quan tâm và lo lắng cho mình.

 

Uyên Phương

Theo WP

Dòng sự kiện: Mang thai