Nên khám phân loại trẻ trước khi tiêm vắc xin

(Dân trí) - "Dù vắc xin có tốt đến mấy, thực hành tiêm chủng có tốt đến mấy, hàng chục triệu mũi tiêm như vậy cùng với cơ địa khác nhau, không thể bảo đảm 100% không có rủi ro", GS.TS. Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia nói.

Theo GS.TS. Đỗ Sĩ Hiển, ở nơi này nơi kia, bảo quản vắc xin chưa tốt, bơm kim tiêm chưa tốt, áp lực tiêm chủng cao (hàng trăm bà mẹ đưa con đến tiêm chủng trong một buổi) nên cán bộ y tế không tư vấn tiêm chủng được hiệu quả.

 

Mặt khác, Việt Nam chưa có số liệu chính thức về bao nhiêu trẻ sơ sinh chết mỗi năm. Thế nhưng, trong giám sát để tìm ca tử vong sơ sinh do uốn ván, người ta phát hiện mỗi năm có 6.000 - 7.000 trường hợp trẻ chết sơ sinh ngẫu nhiên trong vòng 28 ngày. Trong khi đó, mỗi năm chúng ta tiêm ngừa cho 1,4 - 1,5 triệu trẻ. Mỗi trẻ nhận từ 8 - 9 lần mũi tiêm. TS. Hiển tính toán 1,5 triệu trẻ nhân với 8 - 9 lần mũi tiêm, tức là hơn 10 triệu lượt tiêm. Do đó, với số trẻ chết ngẫu nhiên lớn như thế, thì khoảng một chục trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm hay tử vong sau tiêm rơi vào trường hợp ngẫu nhiên là rất lớn.

 

TS. Hiển nói rằng lĩnh vực y tế dự phòng là một lĩnh vực rất khó khăn hơn điều trị rất nhiều bởi nó va chạm với cộng đồng. Đối với tiêm chủng còn khó hơn. "Dù vắc xin có tốt đến mấy, thực hành tiêm chủng có tốt đến mấy, hàng chục triệu mũi tiêm như vậy và với những cơ địa khác nhau, không thể bảo đảm 100% không có rủi ro," TS Hiển nói. Vì thế, theo các chuyên gia, cán bộ tiêm chủng không được bỏ qua khâu khám phân loại. Nhờ khám phân loại, nhân viên y tế có thể phát hiện ra trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ có yếu tố bẩm sinh, trẻ đang bị sốt

 

Ngoài ra, nên tiêm phòng cho trẻ khi thời tiết giao mùa. Bệnh cúm (influenza) do vi rút cúm gây ra, gây những triệu chứng nặng hơn nhất là ở trẻ em mang bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh suyễn, bệnh đái đường, trẻ thiếu tháng, v...v... Những trẻ này kháng cự yếu kém trước sự tấn công của siêu vi trùng cúm và được bác sĩ cho chích ngừa trước mùa đông. Các gia đình nên đảm bảo đủ các mũi tiêm đúng lịch cho con cái để đảm bảo không bị tai biến khi có dịch xảy ra. 

 

Vẫn tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

 

Tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ em trong 24 giờ đầu sau sinh  là ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, sau những tai biến hồi tháng tư, tháng sáu vừa qua làm năm trẻ tử vong. Theo thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, Tổ chức Y tế thế giới đã có thư chính thức gửi Bộ Y tế khuyến cáo việc tiếp tục tiêm ngừa cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.

 

Ông Quang nói Cục Y tế dự phòng sẽ xem xét ý kiến chuyên gia và có ý kiến trình bộ trưởng quyết định về thời gian tiêm văcxin ngừa viêm gan B, nhưng ý kiến riêng của ông Quang cũng là tiêm trong 24 giờ đầu, tiêm văcxin vẫn là biện pháp bảo vệ tốt cho trẻ.

 

Hiện có 30/64 tỉnh thành từ chối sử dụng lại bốn lô văcxin viêm gan B do VN và Hàn Quốc sản xuất do bảo quản không đảm bảo. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng mở rộng và thị trường không thiếu vắc xin viêm gan B. Hơn 1 triệu liều vắc xin mới được viện trợ đã được thử nghiệm độ an toàn và dung nạp trên người.

Theo Tuổi trẻ

 

Trầm- Nga

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ