Nắng nóng, số ca ngộ độc thức ăn tăng vọt

(Dân trí) - Theo thông báo từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bắt đầu từ khi thời tiết trở nắng nóng, đặc biệt là trong tháng 7 này, có đến 50% số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn.

Có rất nhiều trường hợp nhập viện do ăn tiết canh, lòng lợn đã nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nước mía đá và những món ăn bán ở các quán cơm bình dân… không đảm bảo vệ sinh cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người ngộ độc

Biểu hiện chung của các ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra là nôn, đau bụng từng cơn, ỉa chảy liên tục, rối loạn điện giải, đôi khi kèm tức ngực, khó thở...

Theo các bác sĩ, thời tiết nóng chính là điều kiện tốt để vi sinh vật phát triển, đặc biệt ở những món ăn vốn dĩ đã mất vệ sinh thì lượng vi khuẩn gặp nắng nóng càng phát triển nhanh gấp bội.

Tại Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Xanh Pôn, vào những ngày nắng nóng, số trẻ bị ngộ độc thức ăn cũng tăng rất cao.

Các cháu thường trong tình trạng “miệng nôn trôn tháo”, lờ đờ do mất nước nghiêm trọng. Nguyên do là cháu được bố mẹ cho ăn những món ăn đường phố như thịt nướng, chè các loại, ô mai…

Một số cháu nhỏ hơn lại bị ngộ độc do sữa. Bởi người lớn pha sữa bột hoặc cho các cháu uống sữa tươi để quá lâu bên ngoài (mà không bảo quản trong tủ lạnh), sữa gặp nóng đã biến chất khiến các cháu bị đau bụng, đi ngoài.

Theo lời khuyên của Bs Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: thời tiết nắng nóng hoặc thay đổi thất thường như hiện nay sẽ làm sức đề kháng của trẻ suy yếu. Vì vậy, cần hết sức chú ý vấn đề ăn uống của trẻ. Tuyệt đối không cho các cháu dùng thức ăn đường phố có nguy cơ cao như lòng lợn, thịt nướng...

Với những trẻ dùng sữa, phải cho các cháu uống ngay khi mới pha hoặc mở nắp, muốn tận dụng lượng sữa thừa trẻ chưa dùng hết, phải để vào tủ lạnh và cũng chỉ nên dùng trong vòng 2 giờ.

“Người lớn và trẻ nhỏ không may bị đi ngoài phải được bổ sung ngay các loại nước có chất điện giải (mua gói dung dịch pha ngoài hiệu thuốc) bằng cách uống ít một và chia thành nhiều lần. Ngoài ra, nên bổ sung cả nước hoa quả ép, nước rau... để bệnh nhân bị đi ngoài lấy lại sức. Nếu tình trạng nặng phải đến ngay bệnh viện cấp cứu”, Bs Lộc nói

P. Thanh