Nấm móng chân: Điều trị và phòng ngừa

(Dân trí) - Mùa hè sắp đến rồi nhưng với những người mắc bệnh nấm móng chân thì thật là đáng ngại. Vậy làm sao để có thể đi chân trần trên bãi biển hay diện nhưng đôi dép hở ngón dạo phố?

Bệnh nhiễm nấm ở móng chân là một bệnh trường gặp tuy nhiên lại rất ít trường hợp phát hiện ra sớm để điều trị kịp thời.

 

Nấm móng chân thường do những loại nấm và mốc có tên sau gây ra: Nấm dermatophyte, Nấm Candida, Nấm mốc (Seopulariopsis, Hendersonula...)

 

Biểu hiện

 

- Móng chân trở nên dày lạ thường, bề mặt móng sần sùi.

- Móng chân đổi sang màu nâu hoặc màu vàng

- Móng chân trở nên giòn và dễ vỡ

- Xuất hiện mùi khó chịu

 

Bệnh dễ lây

 

Nấm móng chân là một dạng nhiễm trùng khá phổ biến. Bạn sẽ rất dễ bị mắc bệnh nếu như đi chân trần vào phòng thay đồ chung hay phòng tắm công cộng. Đặc biệt các dạng nấm rất ưa sống ở những môi trường nóng ẩm. Chính vì vậy bạn sẽ bị nấm xâm nhập nếu luôn để cho bàn chân không được khô ráo. Khi bạn bị nấm tấn công, nó sẽ nhanh chóng lan rộng ra từng ngón chân, và lây từ ngón này sang ngón khác hay từ chân nọ sang chân kia và hơn thế nữa nó còn có thể lây lan tới các móng tay.

 

Điều trị

 

Nếu bị nấm móng chân bạn có thể sử dụng một số loại thuốc dạng viên nén, dạng dung dịch, kem bôi ngoài da hay loại dầu bóng móng chân có chứa thành phần amorolfine và ciclopirox, dùng để thoa lên những móng chân bị nấm, mỗi tuần 2 lần.

 

Nếu bị nấm móng ở thể nặng hay nhiễm bệnh ra nhiều ngón chân, cần dùng những loại thuốc có tác động mạnh hơn, chứa thành phần itraconazole và terbinafine. Tuy nhiên, nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc lựa chọn và cách dùng thuốc.

 

Cũng xin nói thêm rằng, thông thường trong việc điều trị nấm móng chân, bạn cần phải dùng đến kháng sinh nhưng ngay cả khi tình trạng của bạn được cải thiện, bạn cũng cần phải dùng đủ và dùng hết liều kháng sinh được kê, để tránh bị “lờn” thuốc về sau. Nếu muốn thay đổi loại thuốc, bạn cũng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

 

Trong thời gian dùng thuốc kháng nấm, bạn cần hạn chế hay tốt nhất là tránh xa rượu, bia và những đồ uống có chứa cồn khác. Nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với gan.

 

Bí kíp phòng ngừa bệnh nấm móng chân

 

- Nên mang dép, giày hay những đồ bảo vệ đôi chân khác khi sử dụng phòng tắm chung, phòng thay đồ hoặc toilet. Bởi đó đều là những môi trường sống thích hợp giúp cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển.

 

- Luôn rửa chân và giữ cho chúng được khô ráo mỗi ngày. Có thể sử dụng phấn bột dùng để thoa vào chân, giúp hút hết hơi ẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bột ngô để hút ẩm.

 

- Thay tất mỗi ngày. Không nên đeo tất từ ngày này qua ngày khác. Nên chọn những đôi tất có chất liệu thoáng có như tơ nhân tạo. Mồ hôi chân chính là điều kiện thuận lợi giúp cho các loại vi khuẩn và nấm sinh sôi nảy nở.

 

- Luôn cắt tỉa móng chân cẩn thận, đều đặn, theo dáng ngón chân, không nên để quá dài

 

- Không nên dùng chung các dụng cụ cắt tỉa móng chân. Cho nên, bạn hãy hạn chế cắt, tỉa, sơn hay ngâm móng chân ở tiệm.

 

- Đeo giày và tất vừa với cỡ chân. Không nên chọn những đôi tất hay đôi giày quá chật, sẽ rất dễ bị nấm móng.

 

- Thường xuyên rửa chân bằng nước và xà phòng.

 

Thu Hà

Theo AL