“Nam giới nên chú ý những thay đổi bất thường khi đi tiểu”

(Dân trí) - Đó là lời khuyên của ThS. BS. Lê Thế Vũ, Phó khoa phụ sản và nam học, Bệnh viện phụ sản Hà Nội.

Hiện nay, rất ít nam giới chú ý đến biểu hiện không bình thường khi đi tiểu và cho đó là tự nhiên. Khi đã có những triệu chứng bất thường cần phải nghĩ ngay đến một tình trạng bệnh lý.

Những dấu hiệu bất thường


 

Những dấu hiệu bất thường

 

Số lần đi tiểu tăng lên quá 3 - 4 lần vào ban ngày, 1-2 lần vào ban đêm; khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu ngắn, lúc nào cũng có cảm giác buồn đi tiểu. Tiểu tiện khó khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được, dòng nước tiểu nhỏ, cảm giác tiểu tiện không có lực, có lúc đái rắt. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự không bình thường  khi đi tiểu đối với nam giới.

 

Ths. BS. Lê Thế Vũ cho biết: “nước tiểu tự bài tiết không thể kiềm chế khi ngủ. Nghiêm trọng hơn là ban ngày cũng xuất hiện hiện tượng như vậy.Tiểu ngắt quãng bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường đi kèm với sự hình thành của sỏi bàng quang, làm cho quá trình đi tiểu đột nhiên bị ngắt quãng”.

 

Các triệu chứng trên sẽ nặng hơn nếu gặp lạnh hay thường xuyên uống rượu bia, sử dụng thuốc chống cholinergic và thuốc thần kinh. Nếu như tiểu tắc nghẽn kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, ói mửa và các biểu hiện nhiễm độc đường tiết niệu.

 

Biểu hiện của bệnh phì đại tuyến tiền liệt  

 

Tuyến tiền liệt (TTL) là một bộ phận rất nhỏ và chỉ có ở nam giới, nằm ngay dưới bàng quang và trước trực tràng. Khi mới sinh thì TTL nặng khoảng vài gram nhưng đến tuổi trưởng thành do tác động của nội tiết tố nên có trọng lượng khoảng 20gam... “Chức năng của TTL phần lớn là sản xuất ra tinh dịch để vận chuyển tinh trùng. Thông thường tuổi càng cao thì TTL càng to ra nên gọi là phì đại TTL. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của sự lão hóa cơ thể”, Ths. BS. Lê Thế Vũ chia sẻ.

 

Nên khi có những biểu hiện triệu chứng khác thường khi đi tiểu, nam giới không nên chủ quan mà cần đến bác sỹ thăm khám. Sau khi được khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán thì bác sĩ sẽ cho biết là nên điều trị nội khoa hay phải phẫu thuật (dùng thuốc hay mổ). Ngày nay có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa. Nói chung là tùy theo thể trạng người bệnh, kích thước bướu và bướu có gây biến chứng gì lên đường tiết niệu hay chưa... mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.

 

Bướu lành TTL là căn bệnh không thực sự nguy hiểm nhưng muốn điều trị hiệu quả, tránh biến chứng thì người bệnh cần phải đi khám bác sĩ thật sớm khi thấy có những triệu chứng như kể trên. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc và điều trị ở nhà  vì có thể làm bệnh càng nặng hơn, thậm chí còn nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trên thực tế hiện nay, ngay cả khi đã mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của thầy thuốc thì người bệnh vẫn có thể kéo dài tuổi thọ. Ths. BS. Lê Thế Vũ khuyến cáo: “Nên có sự can thiệp sớm để đảm bảo sức khoẻ của mình, tránh những hậu quả biến chứng đáng tiếc”./.

 

Thanh Huyền