Năm 2030: Việt Nam “thừa” 3 triệu đàn ông

(Dân trí) - “Theo tính toán, nếu tình trạng chênh lệch giới vẫn tiếp tục kéo dài như hiện nay (112 nam/100 nữ), thì đến 2030 ước tính chúng ta có 2,5 - 3 triệu nam thanh niên và trung niên không lấy được vợ”, Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Năm 2030: Việt Nam “thừa” 3 triệu đàn ông  - 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Đài tiếng nói nhân dân TPHCM)
Thừa nam, thiếu nữ

Tổng kết tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác DS - KHHGĐ diễn ra sáng 11/5 tại điểm cầu Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Y tế và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Việc tăng cường tuyên truyền về mất cân bằng giới tính là vấn đề rất lớn và vô cùng cần thiết. Việt Nam có thể nhìn thấy bài học lớn từ sự mất cân bằng giới này từ những nước láng giềng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”.

“Theo tính toán, nếu tình trạng chênh lệch giới vẫn tiếp tục kéo dài (112 nam/100 nữ năm 2008) thì đến 2030 ước tính chúng ta có 2,5 - 3 triệu nam thanh niên và trung niên không lấy được vợ”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Về vấn đề mất chênh lệch trong cơ cấu dân số, trước xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (khoảng 112 trẻ trai/100 trẻ gái khi sinh năm 2008), ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao, nhằm giảm thiểu tình trạng chênh lệch giới ở Việt Nam.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 tiếp tục tăng

“Chỉ tính riêng trong Quý I năm 2009, có trên 27 nghìn cháu sinh ra là con thứ 3 trở lên, tăng 1%. Trong đó, 28 tỉnh có số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái. Dự ước số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên trong 6 tháng đầu năm 2009 là trên 60 nghìn cháu, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2008. Trong khi đó, năm 2008 là năm có tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tăng cao nhất trong các năm gần đây”, ông Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ báo cáo tại Hội nghị.

Theo đó, thực trạng dân số Việt Nam vẫn ở mức báo động, với tỷ lệ sinh con thứ 3 tiếp tục tăng và sự chênh lệch về giới vẫn rất rõ nét. Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, thành phố, tổng số trẻ sinh ra trong 3 tháng đầu năm 2009 là 268.450 cháu, tăng hơn 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Theo ông Thủy, do năm 2008, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai giảm nên dẫn tới hệ quả số trẻ sinh ra trong năm 2009 vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đó, năm 2008 là năm có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại giảm 0,7% so với năm 2007. Ngoài ra, năm 2008 cũng là năm thứ 2 liên tiếp công tác DS - KHHGĐ không đạt chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh do Quốc hội giao.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, đại diện Sở Y tế, UBND nhiều tỉnh thành cũng bày tỏ những khó khăn trong việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Trong đó, chủ yếu là do bộ máy và cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ tại các địa phương mới bước đầu được củng cố và kiện toàn trở lại, chưa ổn định, mới đi vào hoạt động nên chưa triển khai được tốt.

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2009 về công tác DS - KHHGĐ kết quả đạt được còn thấp, một phần là do quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là ở tuyến huyện, xã tại một số địa phương còn chậm, tạo dư luận không thuận lợi cho phong trào toàn dân thực hiện công tác DS - KHHGĐ.

Ngoài nhiệm vụ giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm sự chênh lệch giới, Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, đề án Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm các tật, bệnh bẩm sinh đã được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố. 2 Trung tâm sàng lọc trước sinh đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Quý I/2009 đã mở rộng triển khai đề án tại 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Trong năm 2008, hai trung tâm khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chẩn đoán cho gần 5.000 trường hợp thai nhi có nghi ngờ mắc dị tật, dị dạng và làm xét nghiệm chẩn đoán sơ sinh cho gần 50.000 trường hợp.

Hồng Hải