Mỹ viết về nỗ lực kiểm soát cúm gia cầm ở Việt Nam

(Dân trí) - Đánh giá về những ứng phó với cúm gia cầm tại Đông Nam Á, trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đăng một bài viết của tác giả Cheryl Pellerin về những thành công trong quá trình tiêm vắc xin giúp phòng chống Cúm gia cầm tại Việt Nam.

Tác giả bài viết đánh giá: “Tiêm vắc xin cho đàn gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao là một nỗ lực lớn của chính phủ Việt Nam. Đây là hoạt động đòi hỏi chi phí cao và công tác hậu cần phức tạp.  Và nỗ lực này đã giúp làm chậm lại sự bùng phát của vi rút cúm H5N1 trong các đàn gia cầm và nhất là ở người tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều chuyên gia về cúm gia cầm xem Việt Nam là điểm sáng trong khu vực”.

 

Về các đợt bùng phát dịch, tác giả lấy số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy: “Gia cầm nhiễm H5N1 đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện năm 2004. Trong ba đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên năm 2004 và 2005, khoảng 93 người đã bị nhiễm vi rút, 42 người đã tử vong. Chính phủ đã phải quyết định tiêu huỷ 51 triệu con gà, vịt.

 

Ông Hoàng Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết tháng 8/2005, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành hai dự án tiêm vắc xin thử nghiệm cho đàn gia cầm hai tỉnh Nam Định và Tiền Giang, mỗi dự án có chi phí 500.000 đô-la.

 

Hoạt động này được tiến hành sau khi FAO và Tổ chức Thú y Thế giới đưa ra các hướng dẫn về ngăn chặn sự lan truyền của virus H5N1. Đây là các hướng dẫn về giám sát dịch bệnh, tiêu huỷ nhanh gia cầm nhiễm bệnh, quản lý sự di chuyển của đàn gia cầm và bầy chim hoang dã, đóng cửa chợ bán gia cầm sống ở các đô thị. 

 

Ông Năm cho biết: “Đối với Việt Nam, tiêm vắc xin là sự lựa chọn cuối cùng. Chúng tôi áp dụng rất nhiều biện pháp như phát hiện, cách ly và dập dịch. Chuyên gia quốc tế cho biết nếu đã sử dụng tất cả các biện pháp này mà dịch bệnh vẫn xảy ra thì chúng tôi có thể dùng đến biện pháp tiêm vắc xin. Nhưng biện pháp này rất phức tạp và hoàn toàn không dễ thực hiện chút nào”.

 

Một trong những bất lợi có thể có của việc tiêm vắc xin cho gia cầm là khả năng vắc xin có thể làm giảm khả năng miễn nhiễm tự nhiên của gia cầm đối với vi rút, làm vi rút biến thể sang dạng nguy hiểm hơn, hoặc không có tác dụng do vi rút thường xuyên biến thể”.

 

Tác giả bài báo cũng nhận định về việc kiểm soát H5N1 bằng cách tiêm vắc xin tại Việt nam được coi là “phương pháp hữu hiệu”.

 

Bài báo tiếp tục trích lời ông Hoàng Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam: “Sau khi rút kinh nghiệm từ hai dự án thử nghiệm nói trên, các cán bộ quản lý của Việt Nam đã cho tiến hành tiêm vắc xin đàn gia cầm ở 33 tỉnh thành trên toàn quốc. Đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều nhân công và chi phí lớn”.

 

Ông Năm cho biết: “Kể từ khi chúng tôi tiến hành tiêm vắc xin đến nay, chúng tôi thấy vắc xin đã giúp kiểm soát dịch cúm gia cầm ở Việt Nam. Trong một năm từ tháng 12/2005 đến 6/12/2006, Việt Nam không xảy ra bất kỳ đợt bùng phát nào. Cũng không có trường hợp bùng phát nào ở người trong vòng 17 tháng”.

 

Trong đợt bùng phát thứ tư xảy ra tháng 12/2006, khoảng 45.000 con gia cầm đã bị tiêu huỷ. Ông Nam nói: “Mặc dù chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc phòng chống cúm gia cầm, tôi cho rằng so với một số nước trong khu vực, Việt Nam đang có những thành công nhất định trong công tác này”. 

 

Kiều Nga (lược trích)

Theo Usinfo