Mỹ phẩm - “Kẻ phá hoại thầm lặng”

Nhiều người hẳn sẽ “giật mình” khi biết rằng trong nhiều mỹ phẩm có chứa những hàm lượng cao các chất asen, chì, thủy ngân và thậm chí có chứa cả thành phần phóng xạ... Nhưng vấn đề là chúng không ngay lập tức ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây ra bệnh tật.

Chì trắng

 

Người Ai Cập cổ sử dụng chì để trang điểm không chỉ đơn giản là kẻ quanh mắt mà còn dùng để trang điểm cho cả khuôn mặt, đó là loại chì trắng. Chì trắng ngày nay còn có chứa trong nhiều loại kem dùng cho da mặt. Nó cũng thường được dùng để che các nếp nhăn trên bề mặt da, hoặc làm kem lót trong trang điểm, và điều này càng khiến cho chất chì dễ dàng nhiễm trực tiếp vào da của người sử dụng. Tuy nhiên, nó lại là thành phần chủ đạo trong bất kỳ một loại phấn làm sáng da nào.

 

Chì cũng được tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm khác như thuốc nhuộm tóc, một số loại mỹ phẩm có chứa dạng hỗn hợp chì sunfat... Tất nhiên, do sử dụng những loại mỹ phẩm độc hại có chứa chì này, nhiều người đã phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe, thậm chí là tính  mạng của mình.

 

Ban đầu người ta bôi những mỹ phẩm này lên mặt, da để làm trắng, song chúng nhanh chóng trở thành thủ phạm “ăn mòn” da, là nguyên nhân khiến cho da ngày càng trở nên xấu đi và thường phải phụ thuộc nhiều hơn vào mỹ phẩm. Thật là tồi tệ khi bạn bắt đầu thử tập dùng mỹ phẩm, nhưng rồi sau đó không thể dừng lại và liên tục phải dùng đến chúng.

 

Những hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng mỹ phẩm

 

Ngay khi những thành phần độc hại và tác động xấu của mỹ phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng được phát hiện, những lời cảnh báo đã được rút ra nhằm thức tỉnh con người tránh lạm dụng mỹ phẩm nhưng chỉ thực sự gây chú ý khi bắt đầu xuất hiện những nạn nhân đầu tiên của mỹ phẩm.

 

Năm 1760, một phụ nữ nổi tiếng người Ailen bị chết do lạm dụng mỹ phẩm. Năm 1869, Hiệp hội dược phẩm của Mỹ đã cho xuất bản nhiều cuốn sách nói về những mặt trái của việc sử dụng mỹ phẩm. Trong nhiều cảnh báo, các chuyên gia cũng đưa ra những triệu chứng phổ biến liên quan đến sức khỏe do sử dụng mỹ phẩm bao gồm: chứng đau đầu, suy nhược, giảm cân, mất ngủ, teo cơ... Hầu hết là do lạm dụng kem làm trắng da có chứa chì và carbonat.

 

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của mỹ phẩm. Hàng loạt các thương hiệu, các loại mỹ phẩm đa dạng và vô cùng phong phú đã ra đời. Nhưng thành phần chủ yếu của chúng vẫn chưa có  nhiều thay đổi, thậm chí còn chứa nhiều thành phần độc hại hơn trước, ngoài chì, những loại mỹ phẩm này còn chứa thủy ngân, acid carbonic, chất ăn mòn da...

 

Chất độc tích tụ trong quá trình dùng mỹ phẩm

 

Thật không may là mỹ phẩm đã tồn tại trong hàng chục năm và được sử dụng bởi rất nhiều người mà không hề kiểm soát. Hậu quả tất yếu của điều này là những chất độc đã tích tụ lại trong cơ thể người sử dụng và đến một mức nhất định, những chất độc này bắt đầu phát huy tác dụng. Năm 1930, loại thuốc nhuộm mi mắt đã gây ra hàng chục trường hợp mù lòa và tử vong cho người sử dụng. Sau sự việc này, Tổ chức Thuốc và Lương thực Mỹ - FDA đã yêu cầu tất cả các hãng sản xuất mỹ phẩm trong nước phải đưa ra danh sách các thành phần có trong sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều tai nạn do sử dụng mỹ phẩm vẫn tiếp tục xảy ra.

 

Năm 2007, một chiến dịch kiểm tra chất lượng mỹ phẩm đã diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước Mỹ. Kết quả là trung bình cứ 33 thỏi son thì lại có 3 thỏi son có chứa nồng độ chì quá mức quy định. Kiểm tra 12.000 tuýp kem chống lão hóa cho mắt, thì hầu như tất cả đều có chứa thành phần nguy hiểm đối với mắt.

 

Nhiều loại mỹ phẩm khác như dầu gội đầu, dầu xả, kem cạo râu... tưởng như vô hại, song cũng không ít trường hợp gây ra vấn đề cho sức khỏe người sử dụng.

 

Theo Minh Ngọc

Sức khỏe & Đời sống