Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

(Dân trí) - Sau khi hút máu người bệnh sốt xuất huyết, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi từ 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vi rút nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi và truyền bệnh cho người khác qua vết đốt. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân  SXH cũng cần phải ngủ màn để hạn chế nguy cơ truyền bệnh cho người khác.

Các chuyên gia y tế cho biết, vi rút gây SXH có 2 khả năng lây truyền tiếp. Một là vi rút ra tuyến nước bọt của muỗi và truyền cho người khác khi đốt. Trong trường hợp này xảy ra nguy cơ muỗi đốt người bị SXH, sau 10 – 12 ngày vi rút nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi và gây bệnh cho người khác khi đốt.

Muỗi lành đốt người bệnh SXH cũng sẽ mang vi rút này. Vi rút nhân lên ở tuyến nước bọt của muỗi và gây bệnh cho người khác khi đốt.
Muỗi lành đốt người bệnh SXH cũng sẽ mang vi rút này. Vi rút nhân lên ở tuyến nước bọt của muỗi và gây bệnh cho người khác khi đốt.

Khả năng truyền vi rút sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm vi rút huyết. Nhiễm vi rút huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.

Đường lây truyền thứ hai là muỗi truyền vi rút sang trứng muỗi khi đẻ. Sau khi muỗi đẻ trứng nở thành loăng quăng lột xác thành muỗi thế hệ con, lúc này, muỗi đi đốt người sẽ truyền vi rút SXH cho người khác. Muỗi cái Ae.aegypti trưởng thành tiến hành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần.

Mặt khác muỗi Aedes còn có thể truyền vi rút trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của các vụ dịch với việc tìm thấy ít các số lượng muỗi cái trong ổ dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguồn bệnh SXHD là người mang vi rút dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh ở thể nhẹ hoặc người nhiễm vi rút mà không phát bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh, bởi vì những người này vẫn đi lại được, họ có thể di chuyển và mang vi rút từ vùng này sang vùng khác.

Vì thế, việc phòng bệnh không chỉ thực hiện với người chưa bị SXH bằng cách ngủ màn, diệt muỗi, ngăn cho muỗi đốt, mà người bị SXH điều trị tại nhà cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay… để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác.

Thông thường SXH diễn biến trong vòng 7 - 11 ngày. Giai đoạn đầu bệnh thường sốt cao liên tục trong 3 ngày, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng.

Giai đoạn diễn biến bệnh nặng, thường từ ngày thứ 4 - 7 của bệnh. Những dấu hiệu nặng cảnh báo thường hay xảy ra trong thời gian từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, gồm: sốt cao trên 40 độ C, nhức đầu dữ dội, mệt lả, li bì, nhiều trường hợp vật vã, một số trường hợp bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Có bệnh nhân bị đau tức hạ sườn phải, xuất hiện dấu hiệu xuất huyết, đặc biệt trường hợp xuất huyết niêm mạc như chân răng, chảy máu cam, chảy máu ở lòng trắng của mắt… có nguy cơ xuất huyết trong nội tạng. Số ca bệnh nặng ở giai đoạn này chiếm khoảng 20%.

Người bệnh cũng cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến ngay các cơ sở y tế: sau 3 - 4 ngày vẫn sốt cao liên tục, mệt lả, nôn, buồn nôn nhiều, vật vã hoặc li bì, đau bụng nhiều, đau tức vùng gan, tiểu ít, có các chảy máu bất thường như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...

Hồng Hải