Mủi lòng cảnh bệnh nhân chạy thận đón Tết tại bệnh viện

(Dân trí) - Ngày 30 Tết, trong lúc các gia đình đang bận rộn chuẩn bị đón một năm mới sum họp thì rất nhiều những bệnh nhân chạy thận Khoa nội Thận - Lọc máu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lại tiếp tục đón thêm một cái tết buồn tủi tại bệnh viện.

Đến Khoa nội Thận - Lọc máu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định ngày cuối năm mới thấu hiểu được những tủi phận, chán nản của những bệnh nhân chạy thận cũng nỗi lòng người nhà bệnh nhân.

 
Mủi lòng cảnh bệnh nhân chạy thận đón Tết tại bệnh viện - 1

Ông Đặng Ngọc Triển đã 5 năm đón Tết ở bệnh viện

Đang chuẩn bị nấu bữa ăn ngoài hành lang cho chồng chị Phạm Thi Ngọc Hạnh, 51 tuổi, quê ở TP Buôn Ma Thuật (tỉnh Gia Lai) người có thâm niêm nuôi chồng chạy thận hơn 5 năm, rớm nước mắt khi được hỏi sao chưa về quê ăn tết: “ Vợ chồng con cái vốn đang sống yên ổn, đùng một cái ông ấy lâm bệnh. Tôi phải khắn gói theo chồng xuống Quy Nhơn. Từ đó đến nay đã có năm nào mình có được cái Tết sum họp bên gia đình đâu. Nhà đông con hai đứa lớn đã có chồng còn lại 4 đứa nhưng chỉ còn 2 đứa nhỏ còn đi học. Cũng từ khi chồng tôi bị bệnh, bao nhiêu đồ đạc trong nhà ra đi hết, con cái thì phải nghỉ học, đứa lớn đi làm thuê lấy tiền cho bố chữa bệnh. Hàng ngày, ngoài lúc chăm sóc chồng, khi rảnh tôi phải đi ra khắp bệnh viện và quanh khu vực gần đây lượm ve chai kiếm tiền mua thuốc, tiền ăn hàng ngày”.

 

Chị Hạnh nói thêm: “Tuần nào cũng vậy phải 2,3 lần tháng tốn cả 3 triệu đó là chưa kể tiền ăn ở cho chồng và bản thân. Nếu cứ thế này có bán nhà đi cũng không không đủ”.

 
Mủi lòng cảnh bệnh nhân chạy thận đón Tết tại bệnh viện - 2

Chị Cử và con trai lại đón Tết ở viện thêm 1 năm nữa 

Cạnh giường bên là chị Phùng Thị Cử, 53 tuổi ở thôn Cự Lễ, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn, Bình Định) lại có hoàn cảnh bi đát hơn. Vợ chồng có hai người con, gia đình làm nông với 2 sào ruộng, tuy không giàu có cũng đủ cho sức cho con ăn học. Nhưng chẳng may con trai út là Trần Xuân Hiệu (SV Khoa Tin học, ĐH Quy Nhơn) phải nằm ở viện và kể từ đó, 3 năm mẹ con chị đón giao thừa tại Khoa nội Thận - Lọc máu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

 

Như bao bệnh nhân chạy thận khác, hàng tuần Hiểu phải chạy thận 3 lần, một tháng chi phí gần 4 triệu đồng đó là chưa kể tiền ăn ở.

 

Bên người con trai, chị nghẹn ngào nói: “Nếu em nó không bị bệnh, năm ngoái đã ra trường rồi, có thể phụ giúp bố mẹ rồi, nào ngờ căn bệnh quái ác hành hạ, thôi thì mình khổ mấy cũng chịu được, nhìn con đau mà mình thắt lòng”.

 

Chị  Cử nói thêm: “Giờ con năm một nơi tháng tốn cả vài triệu, ở nhà bố cháu thì  cũng có tuổi rồi cũng chẳng làm gì được. Hàng ngày, tôi cùng mấy chị em ở đây cũng đi lượm ve chai, ai nhờ gì làm đó mong kiếm thêm vài đồng mua thuốc cho con. Buồn nhất, cháu nghỉ học giữa chừng, lúc đi học phải vay vốn sinh viên nhưng năm nay lại đến hẹn trả, tính cả gốc lãi cả hơn 18 triệu. Giờ tôi cũng chẳng biết xoay sở thế nào. Có nước bán nhà chữa bệnh cho con rồi vợ chồng dắt nhau đi ăn xin mất”.

 

Trong khi, những người chạy thận lâu năm như chị Nguyễn Thị Nga 50 tuổi, ở Cát Chánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Đinh). Tuy sức khỏe tốt hơn nhưng cũng đã 3 cái năm chị đón cái tết lẻ loi tại bệnh viện cùng những bệnh nhân khác.

 

Do là  bệnh nhân lâu năm, sức khỏe tốt hơn nên chị Nga phải ở ngoài hành lang bệnh viện nhường chỗ  cho bệnh nhân mới nhập viện.

 

Chị Nga buồn rầu nói: “4 năm tôi phải đón tết ở bệnh viện rồi, gia đình nghèo đông con, khi bị bệnh chồng bỏ rơi tôi. Mình đau bệnh, ba đứa con chẳng đứa nào học hành đến nơi đến trốn, đều nghỉ học đi làm thuê tháng gửi cho mình vài trăm chữa bệnh”.
Mủi lòng cảnh bệnh nhân chạy thận đón Tết tại bệnh viện - 3

Ở khoa Thận - Lọc máu, bác sĩ không có ngày nghỉ

 

Theo bác sĩ  trực ca Lê Văn Hoàng, Khoa nội Thận - Lọc máu cho biết: “Hiện tại ở khoa có 170 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 11 ca bị nặng. Theo lịch trực tết của Khoa, những ngày tết khoa sẽ phân công người trực 24/24, sẵn sàng chạy thận cho bệnh nhân như ngày bình thường. Hàng năm, bệnh viện cũng tổ chức cho bệnh nhân đón giao thừa. Tuy phần quà không lớn nhưng đó là nguồn an ủi lớn cho bệnh nhân”.

 

Doãn Công