Mức sinh vẫn trên 2 con mỗi phụ nữ

(Dân trí) - Tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam vẫn tiếp tục ở dưới mức sinh thay thế là 2,08 con trên một phụ nữ. Mô hình sinh vẫn tiếp tục chuyển từ sinh “sớm” sang sinh “muộn”, thể hiện ở khuynh hướng phụ nữ sinh con đầu lòng ở lứa tuổi muộn hơn.

Mức sinh vẫn trên 2 con mỗi phụ nữ - 1
Đây là một trong những thông tin quan trọng được đề cập trong cuốn sách nhỏ về Thực trạng Dân số Việt Nam năm 2008, do Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) mới xuất bản.
 
Mặc dù Việt Nam đạt được dưới mức sinh thay thế nhưng vẫn còn sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng. Ở thành thị tổng tỷ suất sinh là 1,84 con trên một phụ nữ và ở nông thôn là 2,22.
 
Ông Bruce Campbell - Trưởng đại diện UNFPA nhận định: “Khi tổng tỷ suất sinh giảm xuống dưới mức sinh thay thế và tỷ suất sinh tiếp tục giảm thì dân số vẫn có thể tiếp tục tăng lên trong khoảng 20 năm tới hoặc cả một thế hệ, cho đến khi nhóm người được sinh ra tại thời điểm bùng nổ dân số bước qua độ tuổi sinh đẻ”. Hiện tượng này xảy ra tại bất kì một quốc gia nào đang trải qua “thời kỳ dân số vàng”, trong đó, số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn số người phụ thuộc.
 
“Thực trạng thay đổi cơ cấu tuổi tạo cơ hội duy nhất về phương diện nguồn nhân lực dồi dào và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, tạo thêm các cơ hội việc làm cho đội ngũ lao động trẻ”, ông Bruce Campbell nói.

Nhìn chung, mô hình sinh ở Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển từ sinh “sớm” sang sinh “muộn”, thể hiện ở khuynh hướng phụ nữ sinh con đầu lòng ở lứa tuổi muộn hơn. Mức sinh hiện nay hầu như tập trung ở độ tuổi từ 25 - 34 ở thành thị và 20 - 29 ở nông thôn.

Số liệu điều tra tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa mức sinh và trình độ học vấn của phụ nữ. Mức sinh cao tập trung ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn thấp. Điều đó cho thấy chương trình Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) cần tiếp tục tập trung nỗ lực vào nhóm đối tượng này để họ tiếp cận được tới dịch vụ sức khỏe sinh sản và KHHGĐ.

Số liệu về tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi đã giảm từ 16 (năm 2007) xuống 15 (năm 2008) trên 1.000 trẻ sinh ra sống. Ngoài ra, số liệu năm 2008 cũng cho thấy tỷ suất tử thô (tương quan giữa người chết trong năm so với số dân trung bình ở thời điểm) của cả nước đã giảm chỉ còn 5,3 trên 1.000 dân.

Tỷ suất chết thấp trong những năm vừa qua đã khẳng định những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cũng như các thành tựu trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia.

Mong muốn quy mô gia đình nhỏ cùng với tư tưởng truyền thống thích con trai là các yếu tố góp phần gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Điều tra dân số năm 2008 cho thấy xu hướng gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh trong vòng 3 năm vừa qua từ 110 lên 112 số trẻ em trai được sinh ra trên 100 số trẻ em gái. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân số và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm các hành vi chẩn đoán và lựa chọn giới tính dưới mọi hình thức. Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện giáo dục cộng đồng và tăng cường bình đẳng giới để nâng cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong cả gia đình và xã hội.

Lan Hương