Mùa hè an toàn

(Dân trí) - Mùa hè thời tiết oi bức, nóng nực. Còn con bạn thì rất hiếu động, tò mò. Những chiếc ổ cắm điện, bàn là, phích nước…, bể bơi công cộng hay máy điều hoà nhiệt độ… đều có thể gây tổn thương cho con bạn. Vậy bạn sẽ làm gì để con bạn trải qua mùa hè này an toàn, khoẻ mạnh!

Một số bệnh trẻ thường mắc trong mùa hè và cách phòng chống

 

Bỏng

 

Bỏng là tình trạng da hay các bộ phận cơ thể khác bị tổn thương do tiếp xúc với sức nóng của nước, lửa, điện, hoá chất, bức xạ. Bỏng ở trẻ em thường chiếm đến 50% số bệnh nhân bỏng tại Viện Bỏng quốc gia mỗi năm.

 

Trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 2-5 tuổi rất dễ bị bỏng do bản tính hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn.

 

Bỏng ở trẻ em thường gặp là bỏng nhiệt ướt (bỏng do nước sôi, nồi cám hoặc bỏng nước canh…; bỏng nhiệt khô (bỏng bàn là, bỏng ống bô xe máy, bỏng lửa, hơi nóng của lò than…); bỏng hoá chất (như bỏng vôi, bỏng axit…); bỏng điện. Một trong những nguyên nhân chính gây bỏng ở trẻ em chính là sự bất cẩn của người lớn, chính vì vậy, để phòng tránh bỏng ở trẻ em, người lớn cần:

 

- Không cho trẻ nhỏ chơi, đùa nơi đang nấu ăn.

 

- Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với của trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nag, bàn là đang nóng, ống bô xe máy…)

 

- Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu: tránh xa trẻ để trẻ không va đụng

 

- Kiểm tra nhiệt độ nước tắm rửa, không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.

 

- Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với chất gây cháy như diêm, bật lửa, lửa…

 

- Luôn trông trẻ đúng cách, để mắt đến trẻ thường xuyên

 

Bệnh hô hấp

 

Trẻ thường mắc phải các bệnh đường hô hấp trong mùa hè do hệ thống hô hấp ở trẻ em liên quan rất nhiều đến môi trường bên ngoài, các tác nhân gây bệnh như vi trùng, siêu vi trùng rất dễ xâm nhập vào cơ thể qua lỗ mũi, miệng, da…

 

Đối với các bệnh đường hô hấp trên trẻ thường mắc là viêm mũi, viêm họng, ho…, các bệnh đường hô hấp dưới là viêm phổi, viêm tiểu phế quản phổi, viêm phế quản…

 

Biểu hiện đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần lưu ý để nhận biết con mình bị mắc bệnh đường hô hấp là trẻ chán ăn, quấy khóc, chảy nước mũi, nước mắt, ho, sốt, có khi co giật, tím tái ở môi và các đầu chi, li bì hoặc mê sảng… Để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ cần:

 

- Không cho trẻ tiếp xúc với những người bị cúm hay những trẻ đang bị bệnh viêm đường hô hấp.

 

- Nếu trẻ biếng ăn thì nên cho uống thêm một số loại vitamin, không nên uống vitamin C vì dễ gây ỉa chảy cho trẻ.

 

- Không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột cho trẻ (như khi ở trong phòng máy lạnh và ra ngoài). Máy lạnh nên để ở nhiệt độ từ 27-28 độC.

 

- Đối với bà mẹ cho con bú bị mắc bệnh thì phải rửa sạch tay hoặc chịu khó đeo khẩu trang trước khi cho con bú hay chăm sóc con.

 

- Không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ.

 

Khi trẻ mắc bệnh cần:

 

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, ăn thành nhiều bữa, ăn các chất dễ tiêu, không nên cho trẻ ăn quá no vì trẻ dễ bị trớ khi ho.

 

- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, trẻ vẫn cần được tắm rửa nhưng phải tắm ở nơi kín gió, tắm bằng nước ấm, tắm từng bộ phận. Tắm xong phần nào phải lau khô luôn phần ấy, tránh để các cháu bị lạnh.

 

Tiêu chảy

 

Mùa hè nóng bức, môi trường bị ô nhiễm, độ ẩm không khí cao là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hoá phát triển qua một số loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng…

 

Trẻ em cũng như người lớn, khi ăn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn ôi thiu, rau quả rửa không kỹ hay uống phải nguồn nước bị ô nhiễm thì dễ bị tiêu chảy. Để nhận định có phải trẻ bị tiêu chảy hay không cần căn cứ vào số lần trẻ đi ngoài trong một ngày.

 

Trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3lần/ ngày, nhiều khi kèm theo nôn nên dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

 

Có rất nhiều nguyên thể gây tiêu chảy cho trẻ như ngộ độc thức ăn, lỵ trực khuẩn, lỵ amip, thương hàn, tả, dị ứng thức ăn…

 

Khi trẻ bị tiêu chảy thì vấn đề quan trọng nhất là bù nước và chất điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống oresol (bán ở các hiệu thuốc) hoặc nước cháo muối.

 

Cần theo dõi diễn biến sức khoẻ của trẻ tỉ mỉ, nếu phát hiện they những dấu hiệu nặng như trẻ mất nhiều nước, quấy khóc, vật vã, khát nước… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không nên tự chữa trị cho trẻ ở nhà.

 

Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ cần:

 

- Cho trẻ ăn chín, uống sôi

 

- Không cho trẻ ăn các thức ăn lạ, đặc biệt là các loại hải sản vì rất dễ gây dị ứng thức ăn

 

- Rửa tay cho trẻ trước khi ăn, cha mẹ trẻ cần rửa sạch tay trước khi nấu ăn

 

- Diệt ruồi, nhặng, đậy kín thức ăn

 

- Không ăn thức ăn ôi, thiu, thức ăn để qua ngày.

 

Rôm sảy

 

Khí hậu oi bức, ẩm thấp mùa hè là điều kiện thuận lợi cho rôm sảy phát triển. Trẻ em ngày nay được bảo vệ quá kín càng tạo cơ hội cho rôm sảy xuất hiện. Rôm là những mụn nhỏ, hơi cứng, đầu có nước, tập trung thành từng đám trên da. Rôm thường xuất hiện ở ngực, lưng.

 

Khi bị rôm, trẻ ngứa ngáy rất khó chịu, nhất là khi choi đùa mồ hôi ra nhiều.

 

Để tránh rôm sảy cho trẻ trong mùa hè, cha mẹ trẻ cần:

 

- Tắm cho trẻ bằng các loại nước làm mát da như nước lá ổi, lá me hoặc nước ấm pha với thuốc tím.

 

- Lau mát cho trẻ thường xuyên, nhất là những vùng ra nhiều mồ hôi.

 

Khi trẻ mọc nhiều rôm thì cha mẹ của trẻ cần chú ý:

 

- Không tắm cho trẻ bằng xà phòng, đặc biệt là các loại xà phòng sát trùng mạnh.

 

- Cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn mát, bổ

 

- Cho trẻ uống thêm sinh tố PP, thuốc chống ngứa.

 

- Không nên để trẻ dùng tay gãi nhiều vì dễ gây xước da gây nhiễm trùng da.

 

Đau mắt đỏ

 

Đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc mắt, có thể do vi khuẩn hay siêu vi khuẩn gây viêm nhiễm, ngoài ra có thể do dị ứng với khói, phấn rôm… Khởi đầu, bệnh thường phát hiện ở một bên mắt, sau một đến hai ngày mới lan ra cả hai mắt.

 

Mặc dù bệnh có thể tự khỏi sau 1- 2 tuần lễ nhưng đau mắt đỏ làm cho trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở mắt.

 

Cách lây truyền là do trẻ dùng tay bẩn dụi mắt hay dùng chung khăn với trẻ khác. Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nhưng rất dễ lây.

 

Để tránh đau mắt đỏ cho trẻ, người lớn cần làm:

 

- Tránh rửa chung khăn mặt, chậu rửa mặt.

 

- Hạn chế đưa trẻ đến các bể bơi công cộng.

 

- Rửa mặt bằng khăn mặt sạch, nước sạch.

 

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cần:

 

- Cho trẻ ăn những thực phẩm mát, không nên ăn các thức ăn cay, nóng như ớt, hành…

 

- Đưa bé đi khám bệnh để ding thuốc nhỏ mắt thích hợp, đề phòng biến chứng 

Lê Huy Hoàng