Mùa hanh khô, mùa của làn da "rắn"

(Dân trí) - Đợt không khí lạnh tràn về đã khiến miền Bắc trở lạnh. Trời rét cộng với khô hanh khiến làn da nhiều người bị “mốc” như da rắn. Nếu có tiền sử viêm da cơ địa thì còn phải chịu thêm cảnh ngứa ngáy, bong tróc da chân tay.

“Mốc” như da rắn

Hễ đến mùa đông, nhất là những hôm trời khô hanh như hiện tại, chị Lan (Mai Hắc Đế, Hà Nội) lại buồn phiền vì làn da tay chân khô mốc như da rắn của mình. “Nhiều khi chỉ mong trời lạnh hơn để còn giấu tay trong đôi găng dày. Nhất là khi đi ngoài trời nắng hanh về, da tay nhăn khô lại, chỉ cần một cái xước nhẹ cũng hiện rõ đường mốc trắng, mất hết cả tự tin”, chị Lan than thở.

Dù đã cố gắng uống thật nhiều nước, dùng kem dưỡng ẩm nhưng chị Hải (Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không khắc phục được làn da khô của mình. Vào mùa hanh khô, da môi chị luôn bị bong tróc, có thể bóc ra từng lớp; còn da ở hai ống chân, cứ mốc thếch, loang lổ…

Con trai chị mới 8 tháng tuổi cũng không tránh khỏi tình trạng da khô dù bé còn uống sữa, uống nước hoa quả rất nhiều; dù mỗi đêm, chị đều dùng kem dưỡng ẩm trẻ em để bôi cho con. Hai má bé luôn căng ra, đỏ ửng làm bé rất khó chịu. Hơn nữa, khi ngứa, bé lại hay lấy tay dụi má làm tình trạng khô da càng tăng lên.

Không chỉ bị khô, bong da do thời tiết khô hanh mà những người có cơ địa dị ứng cũng khốn khổ vì ngứa da, nổi ban mề đay.

Chị Vũ Thị Hương làm việc ở Ban cơ yếu chính phủ than vãn: Năm nào cũng vậy, đến thời điểm lạnh, hanh khô như hiện tại, dọc hai mu bàn chân chị luôn bị nổi hàng trăm những nốt nhỏ như mụn nhân rất ngứa. Khi gãi thì nốt mụn trợt ra, thâm đen vài ngày chưa hết thì đợt mụn mới lại mọc lên.

BS Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện da liễu T.Ư cho biết: "Bước vào mùa lạnh và hanh khô, bệnh viêm da cơ địa thường tăng lên do cơ thể giảm tiết mồ hôi, chất bã đào thải ít đi. Hơn nữa, không khí lại lạnh, độ ẩm thấp, nắng hanh càng làm cho da thêm mất nước, trở nên khô mốc và thô ráp.

Trong các bệnh viêm da cơ địa, mề đay là thể hay gặp nhất với biểu hiện mề đay cấp, mề đay mạn. Ngoài ra, viêm da cơ địa còn biểu hiện ở các dạng mẩn ngứa, bong da lòng bàn tay, chân".

Che chắn làn da trước nắng hanh

Thời tiết lạnh, khô hanh là tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến làn da, nhất là với nắng hanh. Nếu không che chắn, bảo vệ da trước ánh nắng này, nó sẽ “hút” nước trên da nhiều hơn, khiến da càng trở nên khô, nhăn nheo.

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia, cho biết: "Để bảo vệ làn da vào mùa đông, yếu tố rất quan trọng đó là chống nắng. Nhiều người quan niệm mùa đông không cần dùng kem chống nắng là một sai lầm. Vì tiết trời này tuy nắng không gay gắt như mùa hè nhưng bức xạ mặt trời vẫn tác động mạnh đến da. Do vậy, vào mùa đông cũng cần dùng kem chống nắng nhưng với độ SPF nhẹ hơn. Đồng thời dùng thêm khẩu trang, găng tay để bảo vệ da được tốt hơn.

Theo BS Nguyễn Thành, để đối phó với làn da khô ráp ngày lạnh, giảm nguy cơ bị tái phát bệnh viêm da dị ứng, việc chăm sóc làn da từ bên ngoài thôi chưa đủ mà phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ nước (2 lít nước mỗi ngày) kèm hoa quả và rau xanh.

Ngoài ra, nên hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hay quá nóng. Chỉ nên pha nước tắm bằng với nhiệt độ cơ thể (khoảng 37 độ C). Còn khi rửa bát, giặt giũ quần áo nên sử dụng găng tay để giảm khô da do tiếp xúc với chất tẩy rửa.

Giữ vệ sinh da sạch sẽ cũng giảm được mức độ ngứa da do bị tác động của thời tiết. Khi mới chớm phát dị ứng da, không nên gãi nhiều vì như vậy sẽ càng kích thích, khiến vùng da sẩn ngứa lan rộng. Cần bôi kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày.

Còn với những người bị viêm da dị ứng, ngoài những lưu ý trên, quan trọng nhất là tránh xa các dị nguyên. Vì với những người bị viêm da dị ứng mà phát hiện được dị nguyên thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Theo BS Thành, có tới 50% số người bệnh tìm được dị nguyên, do đó hoàn toàn có thể tránh được những đợt bệnh tái phát, điển hình nhất là các dị nguyên thức ăn. Nếu người bệnh có dấu hiệu dị ứng với loại thức ăn nào thì tuyệt đối không nên dùng loại thức ăn này.

Hồng Hải