Mùa đông, sợ nhất “da rắn”

Thời tiết hiện nay chưa phải là đỉnh điểm khắc nghiệt của mùa đông nhưng chính ánh nắng hanh khô cộng với gió lạnh đã khiến làn da của nhiều phụ nữ rơi vào thảm cảnh.

  

Mùa đông, sợ nhất “da rắn” - 1

Bác sĩ Thành đang "soi da" cho 1 bệnh nhân

Đeo găng bắt tay… đối tác!

 

Chị Nguyễn Thị Oanh ở 365 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội than thở, chưa mùa đông năm nào mà chị lại bị ngứa nặng như năm nay. Đợt rét đậm vừa rồi khắp người bong vẩy trắng, bây giờ ban ngày nắng ấm thì da lại bị khô nứt.

 

Ở những khu vực chưa có nước sạch để sinh hoạt thì làn da nhạy cảm của chị em phụ nữ càng trở nên tồi tệ. Chị Nguyễn Thị Lệ ở tổ 4, Định Công, Hà Nội: “Trước đây gia đình tôi ở quận Hai Bà Trưng dùng nước sạch của nhà máy nước Yên Phụ thì da mặt vào mùa này không vấn đề gì cả. Nhưng 2 năm nay khi nhà tôi chuyển về đây thì là 2 mùa đông khủng khiếp. Da mặt tôi nổi mẩn đỏ, ngứa, tay thì nứt ra, ở vùng cánh tay và đùi xưa nay vẫn mịn màng vào mùa đông thì nay cũng khô thành kẽ như da rắn, ngứa ngáy vô cùng”.

Đi chữa bằng thuốc tây mãi cũng không khỏi dứt điểm mà chỉ đỡ chừng vài tuần rồi tình trạng lại như cũ, chị đành quay sang thử bằng thuốc nam. Uống và ngâm tay hết đợt thuốc chừng 10 thang tốn hơn 1 triệu đồng, bệnh cũng chỉ thuyên giảm được một tháng, các vết nứt khép miệng lại còn da tay vẫn sần sùi, thô ráp.

 

Cuối cùng chị đành “nghiến răng” rửa mặt bằng nước sạch mà gia đình chị phải mua tới 90.000 đ/m3 (trong khi giá nước sạch do công ty kinh doanh nước sạch cung cấp đến các hộ chỉ có vài nghìn đồng/m3) của một nhóm tư nhân đứng ra mua lại của công ty nước sạch và vận chuyển đến từng nhà có nhu cầu.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thành (Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia), vaseline chỉ nên dùng trên vùng da nhỏ, nếu bôi trên vùng da lớn dễ dẫn đến liên kết gây ngứa da. Đặc biệt, khi bôi vaseline thì phải bôi thật mỏng vì bản thân vaseline có rất ít phân tử bột (trong khi các loại kem giữ ẩm thường có tỉ lệ phân tử bột cao ít gây bít da), dễ dàng gây bí da.

Vaseline cũng bó tay!

 

Kem vaseline là giải pháp được nhiều chị em nhắm tới. Theo các bác sĩ Nguyễn Thành (Trưởng khoa khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia), về bản chất vaseline là loại rất có ích với da khô nhưng nếu không điều trị đúng cách hoặc đơn giản là mua phải kem vaseline giả, chất lượng kém thì tác dụng có khi còn ngược lại.

 

Trường hợp của chị Phạm Hoài Lương ở 162 Khương Trung là một ví dụ điển hình. Da mặt và da bàn tay, cánh tay bị nẻ, khô sần lên như lớp sạn gây khó khăn trong công việc, nghe bạn bè mách dùng vaseline (loại mỡ) chị liền mua về dùng. “Mấy ngày đầu tôi thấy cũng đỡ, da có vẻ mềm hơn nhưng được một tuần thì da mặt bắt đầu bì lên, nhất là ở hai bên cạnh mũi. Vùng cánh tay cũng vậy, lớp da dày lên, sần sùi trông rất ghê”, chị Lương kể.

 

Một số trường hợp khác lại xuất hiện những vết lấm tấm đen trên mặt sau một thời gian dùng vaseline. Chị Nguyễn Thùy Linh hiện đang làm trong một công ty chuyên doanh cửa Đức trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết: “Sau mấy tuần bôi vaseline lên mặt thì da cũng đỡ khô, nẻ nhưng lại xuất hiện những lấm tấm đen trên mặt, nặn ra thì mới phát hiện đó là mụn trứng cá, nhưng có lẽ do bôi vaseline nhiều quá, lại không rửa bằng sữa nên những mụn trứng cá đó có đầu đen nhỏ li ti nổi rõ trên mặt”.

 

Với một số bệnh nhân nứt, nẻ... “mãn tính” thì thuốc trị khô hanh vaseline lại càng không có tác dụng, nhất là khi không kiêng cữ tuyệt đối. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng hiện đang làm công việc truyền thông ở Hà Nội, da tay chị mấy năm nay cứ đến mùa đông là bị nứt toác chảy cả máu ở đầu ngón tay, vùng da tay thì khô ráp đến nỗi việc gấp quần áo cũng gây “rợn”.

 

Chị đã đi chữa khắp nơi, từ bệnh viện TƯ đến Hà Nội nhưng cũng không tác dụng. Mỗi đợt khám, uống thuốc, bôi tay chị chỉ đỡ được chừng vài tuần rồi lại đâu vào đấy. “Vừa điều trị mà kiêng hoàn toàn không phải động vào nước, trừ lúc tắm, thì da tay của tôi khỏe hẳn. Nhưng chỉ cần rửa bát hay chỉ cần làm việc gì đó có chạm vào nước nhiều lần trong ngày thì ngay lập tức, thuốc cũng không còn tác dụng”, chị Hồng than thở. Cuối cùng, chị đành “bóp miệng” thuê liền một lúc hai bà giúp việc, người thì chăm 2 đứa trẻ, người thì cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

 

Có thể tổn thương thận vì... gãi!

 

Bác sĩ Nguyễn Thành (Trưởng khoa khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia) cho biết, việc sử dụng vaseline gây sần sùi, khô ráp như các trường hợp trên là do 3 nguyên nhân: Một là có thể do vaseline kém chất lượng; hai là có thể do dị ứng; ba là do bệnh nhân không biết cách sử dụng, bôi quá nhiều, quá dày vaseline gây bít lỗ chân lông, làm bí da dẫn đến hiện tượng da sần sùi.

 

“Bản chất vaseline là môi trường để hòa tan các chất mà người ta hướng nó để tác dụng trong chữa bệnh. Kem dưỡng ẩm cũng hòa trong vaseline nhưng có các chất giữ ẩm bên trong làm phân tử mỡ không liên kết chặt nên da vẫn có thể hô hấp và trao đổi chất được. Bôi vaseline lâu sẽ gây bít tắc, bí da khiến da bị phản ứng ngứa. Vaseline thực chất không phải thuốc chữa bệnh”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.

 

Một số vitamin trong trái cây có khả năng góp phần “trị” chứng nứt nẻ, khô da trong mùa đông như: Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây cam, kiwi, đu đủ… hoặc trong rau bắp cải; Vitamin B6 có nhiều trong men, mầm lúa mì, thịt và cá giúp cơ thể có sức đề kháng cao vv… 

 

Theo lý giải của bác sĩ, mùa đông nhiệt độ giảm, độ ẩm xuống thấp tạo ra khí trời hanh khô nên da thiếu dinh dưỡng, gây ra nhiều bệnh lý về da. Tùy cơ địa từng người mà da có các mức độ khô nặng, nhẹ khác nhau. Những người vốn thuộc cơ địa da khô thì sẽ bị nặng hơn so với những người có làn da bình thường.

 

Khi bị viêm da tiếp xúc đều ngứa rát, khó chịu nhưng bệnh nhân nên hạn chế gãi, tránh làm tổn thương da, da bị trầy xước có thể gây nhiễm trùng rất nguy hiểm, dễ gây biến chứng tổn thương thận, nhiễm trùng huyết. “Khi da bị tổn thương, ngứa ngáy, sần sùi nên đi khám bác sĩ ngay để được kê thuốc phù hợp, và được hướng dẫn cách phòng – bảo vệ da tốt nhất. Nếu tùy tiện sử dụng thuốc có thể gây nên những biến chứng xấu hơn cho da”, bác sĩ Thành cảnh báo.

 

Theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Thành, nếu biết cách chăm sóc da hợp lý sẽ hạn chế được nhiều khả năng bị nứt nẻ, ngứa ngáy, khô rát cho da. Đặc biệt, không nên tắm nước quá nóng, vì tắm nước quá nóng sẽ làm giảm lớp mỡ trên da khiến da khô hơn. Cũng không nên tắm bằng nước lạnh, tắm bằng nước ấm là tốt nhất. Ngay khi da còn ẩm, nên thoa ngay kem dưỡng ẩm vào những vùng da dễ bị khô, nứt nẻ hoặc những vùng da dễ bị tổn thương như bàn tay, cánh tay, chân, gót chân. Hoặc đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại kem giữ ẩm “chuẩn” trị da khô, nứt.

 

Để hạn chế tối đa da bị nứt nẻ, khô rát, ngứa ngáy, bác sĩ Thành khuyến cáo nên mặc quần áo đủ ấm, đeo găng tay thường xuyên khi đi ra đường để hạn chế sự tiếp xúc với gió gây hanh, khô da.

 

Theo Thiên Vân

Gia đình