Một y sĩ hết lòng vì người bệnh nghèo

(Dân trí) - Vượt qua nỗi đau mất 2 đứa con bị di chứng chất độc điôxin, bằng cái tâm của người thầy thuốc ông đã cứu chữa cho hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo.

Ông cũng đứng ra thành lập các CLB người khuyết tật, người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng thôn nhằm trang bị kiến thức về sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn xã. Ông chính là bác sĩ Nguyễn Văn Nam, người đã ba mươi ba năm gắn bó với Trạm Y tế xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

 

33 năm làm Trạm trưởng

 

Năm 1973, ông Nguyễn Văn Nam sau khi học xong lớp đào tạo nghiệp vụ đã trở về làm y tá rồi lên làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Với ước muốn trang bị, nâng cao thêm kiến thức về y tế để chăm sóc tốt sức khoẻ cho người bệnh, năm 1983, ông đi học thêm ở Trường Trung cấp Y tế tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Năm 1986, tốt nghiệp Trung cấp Y tế, ông lại trở về Trạm Y tế xã Cam Thuỷ và tiếp tục làm Trạm trưởng cho đến tận bây giờ.

 

Sau 33 năm gắn bó với người bệnh trên địa bàn xã Cam Thuỷ, ông không thể nhớ nổi mình đã tự tay cứu chữa cho bao nhiêu bệnh nhân. Ông chỉ nhớ vài trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo cận kề với cái chết được chính mình cứu chữa kịp thời mới níu giữ được mạng sống.

 

Như trường hợp chị Trần Thị Lành (SN 1988) bị băng huyết và rơi vào hôn mê và ngừng thở khi người nhà cáng chị bằng võng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu. Nghe người nhà chạy đến báo, ông đã lập tức đến nơi thực hiện việc sơ cứu kịp thời nên chị mới qua cơn nguy kịch.

 

Anh Đào Xuân Thuận bị sốt rét ác tính và hôn mê khi được chuyển đến Trạm Y tế xã. Sau khi sơ cứu, ông quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để cấp cứu. Sợ người nhà cáng lên đến Bệnh viện thì sẽ nguy kịch đến tính mạng, ông liền chạy đi mượn xe máy, sau đó cùng người nhà chở anh Thuận đi cấp cứu. Hồi đó (năm 1996), đường sá, phương tiện đi lại khó khăn chứ không như bây giờ chỉ cần gọi điện thoại là có xe cấp cứu đến tận nơi để chuyển bệnh nhân.

 

Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là trường hợp của Nguyễn Trai. Anh Trai bị tâm thần phân liệt thường xuyên quậy phá đến nỗi gia đình phải xích lại. Khi lần đầu đến chữa bệnh, ông đã bị anh Trai gây sự, chửi rủa thậm tệ nên cảm thấy rất khó chịu. Về nhà vừa bực tức, vừa thương cho số phận của anh Trai nên ông quyết tâm tìm hiểu căn bệnh để chữa trị cho anh.  Qua 6 năm (từ năm 2002 đến nay) điều trị không quản ngày đêm, bệnh tình của anh Trai đã thuyên giảm và đã tái hoà nhập cộng đồng.

 

Vượt qua nỗi đau riêng...

 

Khi tôi hỏi chuyện hai đứa con của ông bị mất do ảnh hưởng của chất độc da cam, ông trầm ngâm chốc lát rồi buồn buồn tâm sự: “Nỗi đau lớn nhất của đời mình chính là hai đứa con qua đời do di chứng chất độc da cam (đứa con thứ nhất mất năm 1985 và đứa con thứ hai mất năm 2005)”.

 

Khi con mất, ông như muốn buông xuôi tất cả, nhưng nhờ sự động viên của bà con lối xóm, của những người đã từng được ông chữa trị, rồi nghĩ đến những người bệnh đang cần đến mình, ông đã cố nén nổi đau cố vượt qua để tiếp tục chăm sóc, khám chữa bệnh tốt hơn.

 

Sau khi dừng câu chuyện để kê đơn thuốc cho một bệnh nhân đến từ thôn Lâm Lang (xã Cam Thuỷ), ông cho biết thêm: Năm 2005, khi thấy nhiều bệnh nhân lớn tuổi có hoàn cảnh neo đơn đến nằm điều trị tại Trạm Y tế xã Cam Thuỷ không có ai chăm sóc, ông đã đi quyên góp từ những người có tấm lòng hảo tâm trên địa bàn xã rồi đến “gõ cửa” Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện huyện để có tiền mua gạo, đường sữa cải thiện bữa ăn cho các cụ.

 

Nhiều cụ nhờ được chăm sóc tốt nên không những sớm khỏi bệnh mà còn tăng được cân như cụ Lê Thị Bòn (thôn Lâm Lang); cụ Nguyễn Thị Cháu (thôn Cam Vũ)...

 

Cũng trong năm 2005, ông đứng ra thành lập 3 CLB gồm: CLB người cao tuổi; CLB người khuyết tật và CLB sức khoẻ cộng đồng thôn. Đối với CLB người cao tuổi cứ định kỳ sinh hoạt mỗi tháng một lần. Khi các cụ đến sinh hoạt sẽ được các y, bác sĩ của Trạm trực tiếp tư vấn, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí. Khi cụ nào đau yếu đã có đội ngũ tình nguyện viên do Trạm đào tạo đến chăm sóc, đo huyết áp (máy đo huyết áp do Trạm cung cấp cho các tình nguyện viên từng thôn) tận nhà.

 

CLB người khuyết tật thu hút hơn 20 thành viên là các em bị khuyết tật cùng cha mẹ của các em. Các thành viên của CLB khuyết tật khi tham gia sinh hoạt sẽ được anh cùng các y, bác sĩ của Trạm tư vấn cách phát triển kinh tế gia đình và cũng thông qua đó họ tìm thấy sự đồng cảm để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng tật bệnh.

 

Hiệu quả nhất là CLB sức khoẻ cộng đồng được ông thành lập nhằm chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã Cam Thuỷ như Cam Vũ 1, 2, 3, Nhật Lệ, Thiện Chánh, Tân Xuân, Lâm Lang 1, 2, 3, Thọ Xuân và Tam Hiệp. Các thành viên của CLB cứ mỗi tháng sinh hoạt một lần. Tùy theo từng tháng trong năm mà CLB đưa ra chủ đề về loại dịch bệnh thường gặp để thảo luận, bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh như về mùa hè thường xảy ra các loại bệnh như ỉa chảy, thương hàn, cảm cúm....

 

CLB sẽ tập trung thảo luận, sau đó đưa ra cách phòng tránh, chữa bệnh hiệu quả nhất đối với các loại bệnh ấy. CLB được Trạm trang bị tủ sách về chăm sóc sức khoẻ, phòng tránh dịch bệnh để khi cần các thành viên của CLB tham khảo. Thông qua các buổi sinh hoạt của CLB, các thành viên ngoài việc thảo luận vấn đề về sức khoẻ còn trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xoá đói, giảm nghèo cho gia đình.

 

Bằng những việc làm có hiệu quả của bác sĩ Nguyễn Văn Nam, từ năm 2005 đến nay, Trạm Y tế xã Cam Thủy luôn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2007, Trạm được Cục Y tế, tổ chức Unicef công nhận đơn vị đạt danh hiệu “Cộng đồng an toàn Việt Nam” sau 2 năm được chọn làm thí điểm Xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

 

Đối với các bệnh nhân về điều trị tại đây, tuy không ai nói ra thành lời nhưng với họ, bác sĩ Nam như là “thần y” của người nghèo. Hễ ai có hoàn cảnh khó khăn, dù ở đâu, hể không có khả năng chữa trị bệnh luôn được bác sĩ giúp đỡ khám và chữa bệnh một cách chu đáo.

 

Đạo Đức