Một phóng viên tử vong khi điều trị sốt xuất huyết

(Dân trí) - Anh Nguyễn Hoàng Diệp đến viện Xanh Pôn thăm khám và được kết luận là sốt xuất huyết. Bệnh nhân được nhập viện điều trị tại khoa Nội 2, các bác sỹ truyền đến túi tiểu cầu thứ 5 thì bệnh nhân thấy khó chịu, anh được đưa cấp cứu, rồi tử vong sau đó.

Anh Nguyễn Văn Phúc, anh trai của bệnh nhân Diệp (là phóng viên báo Kinh tế nông thôn), cho biết: Ngày 25/10/2009, em trai anh bị sốt xuất huyết và được đưa vào Khoa Nội 2 Bệnh viện Xanh-Pôn để chữa trị.

Đến đêm 29/10, do lượng tiểu cầu của anh Diệp giảm xuống chỉ còn 14% nên đã được các bác sỹ truyền tiểu cầu. Theo lời kể của anh Phúc thì sau khi truyền xong lần thứ nhất, đến sáng và trưa ngày hôm sau, em trai anh thấy đỡ hơn và gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, đến chiều 30/10, các bác sỹ tại bệnh viện lại yêu cầu gia đình bệnh nhân truyền thêm tiểu cầu lần 2 cho anh Diệp.

Một phóng viên tử vong khi điều trị sốt xuất huyết - 1
Giấy chứng tử và giấy chuyển viện của bệnh nhân Diệp. (Ảnh:Quốc Đô)
Từ 3 giờ chiều cùng ngày, đợt truyền tiểu cầu thứ hai được bắt đầu. Truyền đến túi thứ 2 được vài phút, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao, rét run. Gia đình lập tức chạy đi báo bác sỹ, sau khi kiểm tra, bác sỹ bảo là “không sao”, rồi tiếp tục cho truyền. Ngay sau đó, bệnh nhân đi ngoài liên tục, đau quặn vùng bụng, tức ngực và khó thở.
 
Lập tức, bác sỹ cho bệnh nhân Diệp thở bằng bình ô xy rồi đưa ngay sang khoa Cấp cứu. Đến gần hết đêm, bác sỹ ở khoa Cấp cứu cho gia đình biết là phải chuyển viện Bạch Mai ngay, trong giấy chuyển viện có ghi bệnh án của anh Diệp là bị sốc phản vệ trong khi truyền tiểu cầu.

Đến gần 2h sáng ngày 31/10, anh Diệp được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện Bạch Mai. Các bác sỹ ở đây cũng đã chẩn đoán bệnh nhân Diệp bị sốc phản vệ do truyền tiểu cầu. Lúc này, gan, tim và các cơ quan khác của bệnh nhân bị tổn hại rất nghiêm trọng. Mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng anh Diệp vẫn tử vong vào sáng ngày 2/11.

Cho rằng “sự cố trên là một sơ suất đáng tiếc trong ngành”, bác sỹ tại khoa Nội 2 - bệnh viện Xanh Pôn đã liên lạc với anh Phúc để đề nghị gia đình thông cảm, đó là việc ngoài ý muốn của bác sỹ này. Anh Phúc cho biết.

Theo TS Nguyễn Đức Hiền, Nguyên Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, "Việc sốc do truyền tiểu cầu có thể xảy ra. Về nguyên tắc, bệnh nhân đã bị sốc thì không tiếc 3-4 triệu tiền tiểu cầu mà phải dừng truyền ngay. Phát hiện sớm bệnh nhân bị sốc, cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân hoàn toàn có thể được cứu".

Trao đổi với PV Dân trí về giải quyết đơn khiếu nại của gia đình bệnh nhân bị tử vong, ông Hà Huy Hưng, Phó chánh thanh tra thường trực, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi nhận đơn, Thanh tra sở đã cho sao hồ sơ bệnh án bệnh nhân thành 02 bộ và tiến hành niêm phong hồ sơ này. Theo nguyên tắc, việc giải quyết khiếu nại thuộc về thủ trưởng của đơn vị bị khiếu nại. Khi có kết quả trả lời từ bệnh viện, nếu gia đình không đồng ý thì Sở Y tế Hà Nội sẽ vào cuộc kiểm tra…”.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn trả lời số 191/TTr do ông Hà Huy Hưng ký ngày 23/11 gửi đến Báo Kinh tế nông thôn, nơi PV Nguyễn Hoàng Diệp làm việc với nội dung: “…Thanh tra sở đã làm việc với lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn để tìm hiểu quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Hoàng Diệp và yêu cầu bệnh viện trả lời người có đơn, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết về Thanh tra Sở trước ngày 30/11”.

Một phóng viên tử vong khi điều trị sốt xuất huyết - 2
Giấy khám bệnh của BV Bạch Mai và đơn khiếu nại của người nhà bệnh nhân
Về phía bệnh viện Xanh Pôn, PV đã tìm đến bệnh viện liên hệ và tìm hiểu sự việc từ bác sỹ các khoa liên quan. Tuy nhiên, các bác sỹ đều từ chối trả lời vì có “lệnh” cấm phát ngôn từ Sở và lãnh đạo bệnh viện. Tiến sỹ Bùi Nguyên Kiểm, Trưởng khoa Nội 2 cho biết: “ Tôi cũng muốn nói về sự việc lắm nhưng buộc phải làm theo “lệnh” cấp trên thôi”. TS Kiểm cho rằng nếu có thể trao đổi nhiều chiều thì sẽ có được cái nhìn đầy đủ hơn về sự việc(?).

Bác sỹ Phùng Nhã Hạnh, Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định: “Rất tiếc, chúng tôi không được phép phát ngôn về sự cố này. Sở Y tế đã nói với chúng tôi việc này là do Sở phát ngôn. Vì thế chúng tôi không thể nói gì thêm ngoài buổi làm việc mới đây giữa Sở Y tế và lãnh đạo bệnh viện với những y bác sỹ liên quan về khiếu nại của gia đình bệnh nhân, chúng tôi đã yêu cầu những y bác sỹ liên quan tại khoa Nội 2 và khoa Huyết học làm giải trình sự việc”.

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 26/11, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết: “Với các bác sỹ ngành y tế như chúng tôi thì bất kể dùng thuốc gì trong điều trị cho bệnh nhân cũng có thể gây sốc. Vấn đề quan trọng cần phải xem xét là về chuyên môn, nếu đúng thì chúng tôi khẳng định, nếu sai thì phải nhận, cũng như nếu thấy cần rút khinh nghiệm thì chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.

Với trường hợp bị sốc phản vệ của bệnh nhân Diệp, chúng tôi đã xem xét nghiêm túc về sự việc, dự kiến sẽ có kết quả báo cáo lên Sở trong nay mai. Về khiếu nại, chúng tôi sẽ mời đại diện gia đình đến làm việc để trao đổi cụ thể và thông báo kế quả sự việc, nếu gia đình vẫn chưa thấy thỏa mãn thì họ có thể yêu cầu cấp cao hơn trong nghành vào cuộc làm rõ”.

Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết về quy trình xử lý khiếu kiện của người nhà bệnh nhân như sau: "Về nguyên tắc khi có tai biến xảy ra, bệnh viện có trách nhiệm trước hết, thành lập hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn xem xét kỹ ca tử vong và trả lời người nhà. Nếu người nhà chưa thỏa mãn có thể yêu cầu Sở Y tế, Bộ Y tế vào cuộc".

Quốc Đô