Một ca tử vong do cúm A/H1N1 sau hai ngày nhập viện

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, hai phổi bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ… bệnh nhân đã tử vong sau hai ngày nhập viện. Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 – cúm đại dịch đã từng bùng phát mạnh mẽ trong năm 2009.

Bệnh nhân cúm A/H1N1 ồ ạt nhập viện hồi cuối năm 2009.
Bệnh nhân cúm A/H1N1 ồ ạt nhập viện hồi cuối năm 2009.

Tại cuộc họp “nóng” tại Bộ Y tế chiều 4/4 để đối phó với chủng vi rút cúm mới A/H7N9 vừa xuất hiện tại Trung Quốc, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, tại BV vừa tiếp nhận 1 ca nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng và đã tử vong.

Theo đó, bệnh nhân là một nam giới 46 tuổi, làm nghề lái xe ở Văn Yên, Yên Bái. Bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 28/3 trong tình trạng suy hô hấp nặng, đặc đặt ống nội khí quản, thở máy, chụp tim phổi. Hình ảnh chụp tim phổi cho thấy bệnh nhân có tổn thương thâm nhiễm toàn bộ hai bên phổi, bệnh nhân suy hô hấp nặng.

Trước khi nhập viện 7 ngày bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và sau 4 ngày có hiện tượng khó thở tăng dần mới đi khám. Dù được thở máy, dùng tamiflu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu đi và bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày nằm viện.

BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, hiện nay, mọi người đang tập trung nhiều vào chủng cúm mới A/H7N9. Còn nhiếu vấn đề liên quan phải tìm hiểu về chủng cúm này, tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan với các chủng cúm khác. Bởi đa phần các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định diễn biến nặng lên, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp đe dọa tính mạng người bệnh.

Như bệnh nhân này, tiền sử sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh nhưng đã bị tử vong vì cúm A/H1N1. Trong khi đó, mắc thể cúm này đa phần mọi người là tự khỏi, chỉ một số ít diễn biến nặng lên phải nhập viện điều trị.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nếu bệnh nhân này đến viện sớm hơn, được sử dụng thuốc tamiflu sớm hơn thì có thể đã có một tiên lượng tốt hơn cho người bệnh.

Do các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau, gồm các triệu chứng ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc… nên rất khó khăn để xác định từng ca nhiễm khác nhau. Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm không được chủ quan mà nên được tư vấn, theo dõi điều trị ở cơ sở y tế gần nhất.

Còn để phòng lây truyền, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, nên phương pháp phòng cúm kinh điển, quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thứ ba là thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đặc biệt là khó thở không rõ nguyên nhân nên đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Hồng Hải