Món ngon nhờ tỏi

(Dân trí) - Tỏi không chỉ là một gia vị, mà còn là “vị thuốc”. Rất nhiều món ăn hàng ngày được chế thêm tỏi mà thêm dậy hương, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các bà nội trợ cũng cần lưu ý trong chế biến để tỏi không bị mất đi công dụng phòng bệnh hữu hiệu.

Gia vị hằng ngày

Có thể khẳng định, không bà nội trợ nào lại không tích trữ một chút tỏi trong các gia vị chế biến món ăn hàng ngày. Vì đã như một thói quen, họ đều sử dụng thực phẩm có ích này một cách thường xuyên, từ món xào, chiên, ướp… hay đơn giản chỉ là một bát mắm cùng với nhánh tỏi băm nhỏ để chấm với rau muống luộc.

Không kể đến bát nước mắm gia vị, mà các món xào quen thuộc như rau muống, ngọn su su, rau mướp, rau lang, rau mùng tơi xào đều không thể thiếu loại gia vị này. Không tin, cứ thử một lần xào các món này mà không cho tỏi, bạn sẽ thấy sự cần thiết của nhánh tỏi nhỏ nhoi này để có được hương vị rất đặc trưng cho món ăn.

Tỏi cũng là gia vị không thể thiếu với món thịt bò, thịt trâu xào. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cải thiện bữa ăn thường ngày cho cả nhà bằng món thịt bò sốt tiêu đen hấp dẫn. Gia vị chính của món này ngoài nước dùng, hạt tiêu, xì dầu đặc, dầu hào, mỳ chính, bột nêm, bột đao, hành khô thì cũng không thể thiếu tỏi. Trước tiên, bạn hãy băm tỏi, hành khô, rồi dập đôi hạt tiêu, sau đó cho dầu vào chảo, phi thơm hành, tỏi, hạt tiêu. Cho nước dùng vào cùng dầu hào nêm vị vừa ăn, đun cạn khoảng 1/3 sau đó cho bột đao đã khuấy đều vào. Sau đó, cho thịt bò thái lát được ướp đủ gia vị, tỏi đã rán vàng vào sốt một lát, xúc ra đĩa ăn với cơm rất thơm ngon.

Trong những ngày hè oi bức này, có thêm món salat dưa leo trong mâm cơm sẽ giúp mọi người dễ ăn và ngon miệng hơn. Gia vị trộn salat dưa leo gồm dầu ăn, dấm, bột canh, tiêu, đường (hoặc mật ong) và cả một chút hành, tỏi băm nhỏ sẽ “dậy” mùi đặc trưng của món ăn này.

Ngoài ra, còn rất nhiều món ăn mà không thể thiếu gia vị tỏi Không chỉ chế biến, nếu ăn sống hoặc đã nướng chín những nhánh tỏi còn tươi mỗi ngày còn rất có lợi cho gan, giúp tăng cường chức năng giải độc cho gan, sẽ giúp cơ thể thanh lọc chất độc hại, tràn đầy sức sống.

Lưu ý khi chế biến

Trong tỏi có chứa allicin giúp chống lại các vi rút và vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm, ăn tỏi tươi hoặc cho vào trà, món ăn đều rất tốt cho sức khoẻ. Nhưng cách thức sử dụng, chế biến nếu không đúng cách sẽ giảm công hiệu phòng bệnh của tỏi.

Khi bạn chiên, xào… các gia vị như dầu ăn, hành, tỏi thì nên cho tỏi vào sau cùng. Điều này sẽ tránh cho tỏi bị cháy, một nguyên nhân khiến cho món ăn có vị đắng. Hơn nữa, tỏi nấu quá chín cũng như các loại rau xanh, sẽ bị mất đi một lượng vitamin đáng kể.

Sau khi bóc vỏ tỏi thì không nên nấu ngay vì làm mất hoạt tính của enzym allinase, mà chúng ta nên để tỏi đã dập sau 15 phút rồi đem ra chế biến món ăn mới phát huy được tác dụng hoàn hảo của tỏi.

Hơn nữa, tỏi tươi luôn có giá trị hơn những củ tỏi đã héo, mềm, mọc mầm. Vì thế, bạn chỉ nên tích lượng vừa đủ dùng trong vài ba ngày, khi hết lại mua thêm để đảm bảo tỏi luôn tươi ngon.

Các bà nội trợ cũng cần lưu ý, tuy tỏi rất tốt, có thể làm gia vị cho nhiều món ăn, nhưng với một số món, nó lại rất kị nhau, nếu nấu cùng sẽ không tốt cho sức khoẻ người ăn. Như món trứng vịt nếu trộn với tỏi băm rồi tráng rất độc. Tương tự, với món cơm rang mọi người thường cho tỏi, thì cũng không nên dùng trứng vịt mà hãy thay bằng trứng gà. Hay nếu ăn tỏi lúc đói sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày và thành ruột. Khi bị dạ dày, cần kiêng ăn hành tỏi sống. Ngứa ngáy rôm sẩy, dị ứng cũng cần kiêng tỏi.

Công dụng chữa bệnh của tỏi

Nổi bật nhất là tác dụng chống cảm cúm của tỏi. Dưới đây, xin giới thiệu một số bài thuốc chống cúm nhờ tỏi.

Tỏi 100g, gừng tươi 100g, giấm ăn 500ml, tỏi và gừng rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào lọ ngâm với giấm, bịt kín, sau chừng 30 ngày thì dùng được. Có thể cho vào gia vị mắm, chế biến món ăn.

Rượu tỏi, tỏi khô bóc vỏ 40g, thái nhỏ, rượu trắng 45độ, 100ml. ngâm tỏi với rượu 10 ngày.

Mỗi ngày uống 2 lần, sáng 40giọt trước khi ăn và tối 40 giọt trước khi ngủ. Có tác dụng chữa thấp khớp như sưng gối, vôi hoá khớp, mỏi xương. Rượu tỏi chữa trị hiệu quả các bệnh thấp khớp (sưng khớp, vôi hoá các khớp, mỏi xương cốt); Phế quản (viêm phế quản, viêm họng, hen phế quản); Tiêu hoá (ăn khó tiêu, ợ chua, viêm tá tràng, loét bao tử).

Dùng tỏi trị cao huyết áp, ăn 1 - 2 tép tỏi ngâm giấm đường.

Cho thêm tỏi vào trà sẽ phòng tránh được bệnh cao huyết áp, ung thư, viêm khớp, ngừa viêm nhiễm

Chế biến nước nhỏ mũi (dùng được cả cho trẻ nhở từ tỏi): Tỏi một củ bóc vỏ sạch, ép lấy nước rồi dùng nước sôi để nguội pha loãng gấp 10 lần, nhỏ mũi mỗi ngày 3 - 5 lần sẽ trị được chứng sổ mũi. Hoặc dùng nửa tép tỏi, ép lấy nước rồi cho 10ml nước muối sinh lý vào, dùng nhỏ mũi ngày 2 - 3 lần.

Ngọc Linh (tổng hợp)