Môi trường điều hòa dễ phát tán vi rút

(Dân trí) - “Các bệnh lý do vi rút như sốt vi rút, đau mắt đỏ, bệnh cúm thường, cúm A/H1N1... thường lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp nên rất dễ lây truyền trong môi trường điều hòa, do không khí không được lưu thông tốt”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.

Môi trường điều hòa dễ phát tán vi rút - 1

Công sở - Môi trường sống "lý tưởng" của vi rút (Ảnh: Veer)
Vì vậy, ông khuyến nghị, để phòng các bệnh về hô hấp nói chung, cần hạn chế tối đa  việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.

PGS Hiển giải thích, ở những nơi như công sở, có rất nhiều người qua lại, điều hòa không được vệ sinh thường xuyên nên rất nhiều vi trùng, vi rút lưu trú trong bộ lọc. Đây là môi trường lý tưởng cho vi rút phát tán, lây lan bệnh. Vì thế, làm việc trong môi trường máy lạnh thường xuyên rất dễ mắc các bệnh hô hấp, cúm...

Ông Hiển khẳng định, việc hạn chế sử dụng điều hòa, thông khí tốt phòng ở là một biện pháp hữu hiệu giảm số lượng vi rút trong không khí, khi đó ắt sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh. Có thể thông khí bằng cách mở rộng cửa phòng làm việc, dùng quạt thông gió thay cho máy điều hòa.

Về vi rút cúm A/H1N1 đang xảy ra ở nhiều nước, theo PGS Hiển, trước đó, người ta cho rằng vi rút tấn công chủ yếu lứa tuổi thanh niên, lao động nhưng hiện giờ có thể nói, vi rút cúm A/H1N1 không chừa một ai. Thực tế, đã có một em nhỏ hơn 20 tháng tuổi tử vong ở Mỹ. Vì thế, mọi người đều là đối tượng tấn công của loại vi rút này, nên việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng.

Theo TS Phan Trọng Lân, Phó phòng Kiểm dịch các bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng và Môi trường), vi rút cúm thường có thể sống được vài giờ đồng hồ trong môi trường, tùy theo đặc tính của mỗi loại vi rút. Hiện với vi rút cúm mới này chưa xác định được thời gian sống trong môi trường là bao lâu. Người ta ghi nhận sự lây lan rõ nhất là lây trực tiếp từ người sang người qua những giọt nước bọt li ti có thể bắn ra ngoài khi nói chuyện. Vì vậy, để phòng bệnh, giữ khoảng cách khi tiếp xúc là rất quan trọng, đồng thời phải đeo khẩu trang. Thời gian dễ lây nhiễm bệnh nhất là một ngày trước khi sốt và 7 ngày sau khi hết sốt.

Về dịch cúm, hiện WHO đang cân nhắc nâng dịch lên mức độ 6. Nhưng trên thực tế, theo đúng định nghĩa của WHO về mức độ dịch thì thế giới đang ở mức độ 6, với 20 nước ghi nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, với hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh ở 3 châu lục là châu Mỹ, châu Âu, châu Á.

 

“Tuy nhiên, người dân nên hiểu rõ tính chất mức độ dịch để bớt hoang mang, lo lắng. Giai đoạn dịch không có nghĩa là phản ánh mức độ nguy hiểm của dịch mà nó phản ánh số nước ghi nhận có bệnh nhân”, ông Hiển nói.

Hồng Hải