Mỗi ngày khoẻ là một ngày vui

Ông là hoạ sĩ Hoàng Văn Quảng, bác sĩ Quảng, và giờ còn là “thầy giáo Quảng” của những học trò trong lớp học mang tên Hy Vọng. Nếu là người khoẻ mạnh thì không nói làm gì, đằng này ông lại đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Mỗi ngày khoẻ là một ngày vui - 1

Bác sĩ Quảng bên học trò lớp Hy Vọng. 

 

Người bệnh an ủi người khoẻ

 

Trong khuôn viên bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), có một lớp học tên là Hy Vọng. Lớp dành cho những bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện có thể tới học hàng ngày. Đến lớp, các em có thể quên đi bệnh tật và có được niềm vui tới trường như bao bạn bè. Thầy cô của các em là những người tình nguyện. Họ là cô giáo, sinh viên, ca sĩ và cả bác sĩ của bệnh viện. Trong số những thầy cô giáo thân thương đó, người dạy môn hoạ cho các em chính là trưởng phòng hành chính quản trị của bệnh viện Nhi Trung ương – Hoàng Văn Quảng, mà các em thường gọi là “thầy Quảng”.

 

Theo lịch mỗi tuần, thầy Quảng dành buổi chiều thứ sáu để dạy các em từng nét vẽ, cách tô màu. Nhiều em chưa từng được cắp sách tới trường nhưng qua những hình vẽ thầy dạy đã thể hiện được ước mơ to lớn của mình. “Đến với các em, không những được truyền lại những gì đã học, giúp các em phát huy năng khiếu mà quan trọng hơn cả là động viên, an ủi các em vượt qua nỗi đau bệnh tật. Những bức tranh, những nét vẽ được phác ra chính là suy nghĩ, mơ ước của các em. Mỹ thuật nằm trong cả đời sống chứ không riêng gì trong nghệ thuật. Nhiều cháu dù bệnh nặng nhưng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Đó chính là điều mà người lớn phải học. Đứng lớp vừa là trách nhiệm nhưng cao hơn cả là tình người”, thầy Quảng chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch hội ung thư Việt Nam: “Chưa phải quá muộn, còn cơ hội điều trị”

 

 

 

Ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ. Ung thư vòm họng giai đoạn 2 chưa phải là quá muộn. Nguyên nhân gây ra bệnh này cho tới nay chưa được xác định rõ. Ung thư vòm họng có tiên lượng tốt, tỷ lệ sống sau năm năm giai đoạn 1 là 72%, giai đoạn 2 là 64%, giai đoạn 3 là 62% và giai đoạn 4 là 38%. Nếu thấy đau đầu kéo dài, ù một bên tai, ngạt mũi, chảy máu cam, phát hiện hạch cổ... nên đi kiểm tra để xác định bệnh. Ung thư vòm họng được điều trị chủ yếu bằng tia xạ. Các trường hợp muộn có kết hợp hoá trị. Để điều trị di căn tới hạch, xương, phổi, gan... tuỳ trường hợp, có thể dùng phương pháp cắt bỏ kết hợp với tia xạ hoặc hoá chất.

 

Nhìn thầy Quảng, chẳng ai biết thầy cũng đang chiến đấu với căn bệnh ung thư 3 năm nay. Thế nhưng, thầy vẫn rất lạc quan, yêu đời và chưa bao giờ có ý nghĩ buông xuôi. “Dù làm việc trong môi trường bệnh viện, lại đang mang bệnh nhưng mình phải là bằng chứng sống, bằng xương bằng thịt về nghị lực sống với người xung quanh và với các em. Để họ thấy, bị ung thư không phải là đã hết, mỗi ngày khoẻ là một ngày vui. Dù hôm nay sống, mai chưa biết thế nào thì vẫn phải sống khoẻ, sống có ích”, thầy Quảng nói.

 

Thầy kể rằng, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1983, thầy về bệnh viện Nhi Trung ương làm công tác tuyên truyền, hành chính. Dù không phải là bác sĩ điều trị nhưng gần 30 năm gắn bó với môi trường này thầy đã như một bác sĩ thực thụ. Thầy không nghĩ có ngày mình cũng chính là bệnh nhân. Năm 2009, vô tình sờ thấy hạch nhỏ ở cổ, thầy đi khám thì được kết luận ung thư vòm họng giai đoạn 2! Lúc đầu cũng bất ngờ nhưng sau đó thầy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. “Có lẽ do mình tham gia nghệ thuật nhiều năm nên tính tình cũng thoáng. Hơn nữa, mấy chục năm gắn bó với bệnh viện hàng ngày vẫn an ủi bệnh nhân có bệnh phải chữa, nay không lẽ mình lại bi quan. Khoa học kỹ thuật giờ cũng phát triển sẽ có nhiều cách chữa bệnh”, thầy Quảng lạc quan nói.

 

Hồi mới phát hiện bệnh, gia đình, bạn bè rất lo lắng nhưng thầy lại chính là người động viên ngược lại. Có người nghe ung thư thì nghĩ là đã hết, bỏ ăn rồi sụt cân nhanh chóng, còn thầy biết phải vượt qua giai đoạn đó thế nào. “Mình điều trị theo đúng mọi hướng dẫn của bác sĩ. Chín tháng điều trị tại bệnh viện K Trung ương, phải xạ trị rồi hoá trị, đủ cả. Chưa hết, một năm sau mình phát hiện di căn xuống phổi. Tháng 9 vừa rồi mình phải cắt 1/3 thuỳ phổi trái. Hiện mình đang điều trị hoá chất tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội với bốn đợt truyền hoá chất”, thầy kể.

 

“Dù mai chết vẫn phải vui sống”

 

Từ khi phát hiện bệnh, thầy Quảng chỉ xin nghỉ làm hai tháng xạ trị vì thời gian đó thầy không nói, không ăn được phải xông. “Có bệnh thì vái tứ phương”, thầy cũng sang Singapore chữa nhưng thấy không hiệu quả. Dù đang trong quá trình điều trị nhưng hàng ngày thầy vẫn đảm nhận tốt công việc của mình tại viện và kiêm luôn đứng lớp dạy các em tại lớp học Hy Vọng.

 

Nhà ở gần nơi làm việc nên thầy chọn cách đi bộ đến viện. Cả tuần thầy vẫn đến cơ quan đều đặn. “Mọi người xung quanh, đồng nghiệp rất cảm thông với mình và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Mình không vì thế mà ỷ lại, phải phấn đấu làm việc tốt hơn nữa. Sức khoẻ giờ không được như trước nhưng mình vẫn đi lại và làm việc theo sức của mình. Dù mai chết vẫn phải lạc quan, vui vẻ và sống có ích. Nhiều người bệnh chết vì tinh thần chứ không phải do bệnh”, thầy nói.

 

Vốn yêu thích công việc của người thầy, giờ đây lại được đứng lớp với các em cùng hoàn cảnh, thầy Quảng không nghĩ mình bệnh mà là người thầy đang truyền lửa cho các em. Ngược lại, chính các em cũng đang giúp thầy thêm lạc quan bằng sự vô tư, trong trẻo của tuổi thơ, dù trên tay các em vẫn mang kim chích, ống truyền.

 

Bên cạnh thầy còn có người thân, bạn bè, các em nhỏ, một gia đình hạnh phúc với người vợ thương yêu cũng là đồng nghiệp, cô con gái lớn làm giảng viên đại học Hà Nội và cậu con trai sinh viên kiến trúc. Đây chính là những người giúp thầy chiến thắng với bệnh tật.

 

Theo Lệ Hà

Sài Gòn tiếp thị