Mở rộng mô hình khám sức khoẻ miễn phí tiền hôn nhân

(Dân trí) - Các cặp đôi chuẩn bị kết hôn tại 5 tỉnh tham gia dự án được khám sức khoẻ miễn phí, gồm xét nghiệm máu, khám viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục... nhằm mục đích giảm thấp nhất tỉ lệ trẻ sinh ra dị tật do bố mẹ mang bệnh lý.

TS.BS Đặng Văn Nghị, Vụ phó Vụ DS - KHHGĐ cho biết thông tin trên tại Hội thảo giới thiệu mô hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết diễn ra sáng 8/9, tại Hà Nội.
 
Mở rộng mô hình khám sức khoẻ miễn phí tiền hôn nhân - 1
Mô hình khám sức khoẻ miễn phí tiền hôn nhân và mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết sẽ giúp nâng cao chất lượng dân số, với những đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh, không bị dị tật (Ảnh: H.Hải)

Theo đó, mô hình kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ được tiến hành ở 20 xã thuộc 5 tỉnh là Hà Giang, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Hải Dương và Hà Nam. Tất cả thanh thiếu niên nam nữ ở tuổi kết hôn đều có thể đăng kí khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí tại trạm y tế xã. Nếu phải tiến hành các xét nghiệm, tư vấn quan trọng liên quan đến bệnh lý, mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển lên tuyến trên để làm xét nghiệm.

Còn mô hình can thiệp để giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thực hiện hiện tại 5 tỉnh miền núi là Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Đắk Lắk. Đây là những địa phương có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết lớn nhất ở đồng bào dân tộc.

Mục tiêu của dự án là đến hết năm 2010, 90% vị thành niên, thanh niên được cung cấp thông tin và tư vấn các nội dung ưu tiên về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; 90% nam, nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp thông tin, tư vấn về nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ; 70% nam nữ chuẩn bị kết hôn được kiểm tra sức khỏe, phát hiện, điều trị, tư vấn về phòng tránh các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật. Sau thời gian thí điểm, 2 mô hình trên sẽ được tổng kết đánh giá hiệu quả như thế nào để tiếp tục nhân rộng thêm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại hội thảo, Bác sĩ Hoàng Bá Thước - Phó giám đốc Sở Y tế - Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho hay thực trạng tảo hôn tại địa phương hiện còn phổ biến. Theo báo cáo thống kê năm 2008 tỉ lệ cặp vợ chồng tảo hôn chiếm 6% so với tổng cặp vợ chồng mới kết hôn trong năm.

Ngoài ra, tình trạng hôn nhân cận huyết cũng là một tập quán khó khắc phục của người dân. Như tại tỉnh Đắc Lắc, chị H'Lê Niê - cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ Đắk Lắk cho biết, tình trạng kết hôn sớm và tảo hôn vẫn xảy ra ở các buôn làng. Điều đáng chú ý, theo phong tục của người M'nông, Ê đê thì con cô, con cậu được phép lấy nhau. Thậm chí con trai của cậu lấy con gái của cô được coi là điều tốt. Người cô có con gái, khi gả đi, trước hết phải gả cho con cậu. Mặt khác, theo tập quán mẫu hệ, các em gái ở tuổi 15 - 16 đã có thể chọn chồng. Họ thường căn cứ vào hình dáng bề ngoài, sức khoẻ của cô gái ở độ tuổi dậy thì hay chín muồi chưa, có đủ sức khoẻ và khả năng làm vợ, làm mẹ trong tương lai, chứ không căn cứ vào tuổi tác.

Theo TS Dương quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, tảo hôn và cận huyết thống này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dân số. Vì thế, mô hình can thiệp này với cách thức "Tiếp cận theo vòng đời", từ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục cho thanh niên trước khi xây dựng gia đình, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh… để chất lượng dân số ngày càng tốt hơn, đồng thời giảm tới mức thấp nhất tình trạng hôn nhân cận huyết.

Hồng Hải