Mất mặt vì trật cách… ngồi!

Sau công trình nghiên cứu gây sửng sốt về mối liên hệ giữa chiếc quần jean quá chật và tình trạng "cờ đến tay phất không nổi", các nhà nghiên cứu ở Đại học Thể dục thao Cologne, CHLB Đức, đã đi xa hơn nữa với cảnh báo về nguy cơ "trên biểu gần chết, dưới vẫn trơ trơ" do gia chủ ngồi ỳ một chỗ quá lâu.

Theo thầy thuốc ở thành phố Cologne nổi tiếng, các ông thuộc nhóm "thổ địa trước máy vi tính" là ứng viên hàng đầu của hội chứng thiếu máu vùng hội âm, vùng xôi đậu với nhiều mạch máu thường xuyên bị đè đầu cưỡi cổ vì trọng lượng cơ thể.

Đúng nếu nghĩ nạn nhân vì thế dễ bị trĩ nhưng chưa hết mức khổ đau. Éo le hơn nhiều vì 3/4 trong số các ông mừng rơn vì có chỗ "an tọa" dần dần gặp rắc rối với chuyện phòng the.

Nỗi oan tuy không làm nhưng vẫn chịu, chẳng qua chỉ vì vùng hồi âm bị thiếu máu do áp lực từ trên đè xuống qua tư thế ngồi quá bất động trước màn hình máy vi tính. Càng làm việc ngoài giờ, khu vực đó càng dễ nghẹt thở. Hậu quả tất nhiên dễ hiểu vì một khi đã hụt hơi làm sao hoạt động cho nổi.

Khỏi nói thêm cũng biết, không ít nạn nhân đã gõ cửa thầy thuốc khắp nơi, cũng không thiếu người vét túi cho "phương ngoại gia truyền" nhưng rồi vẫn tiền mất tật mang do không ngờ nguyên nhân nằm ngay dưới đó!

Giải pháp của chuyện tưởng chừng như phức tạp lại tương đối đơn giản. Chuyên gia về bệnh nam khoa ở Hannover, thành phố có tỷ lệ cao nhân viên làm việc với máy vi tính ở CHLB Đức, đã khuyên người có thói quen thích ngồi lâu lại thêm ưa quần chật mấy điều như sau:

- Cho dù có mê công việc cách mấy cũng đừng ngồi một lèo lâu hơn 90 phút. Nên cài chương trình nhắc nhở để cho máy… standby còn mình stand up.

- Nghỉ giữa giờ, ít phút thôi, nhưng càng nhiều càng tốt và đừng quên đứng lên đi bộ qua lại ít bước để chỗ kẹt có cơ hội được thong thoáng.

- Đặt màn hình sao cho đừng phải nghiêng ra phía trước vì càng chồm ra phía trước, chỗ đó càng dễ thiếu máu. Kẹt chính ở chỗ mấy ai ngồi lâu mà ngồi ngay?

- Ngay cả lúc ngồi cũng thỉnh thoảng nhớ đứng lên nhón chân ít phút để vùng hội âm có dịp nghỉ xả hơi.

- Nếu đã béo phì thì phải giảm cân cho bằng được.

- Đừng chọn ghế ngồi loại quá cứng. Ngồi thoải mái và đừng ngồi ngay rìa của chiếc ghế vì có thể gây thêm phiền phức cho mình.

Đời bao giờ cũng lắm nỗi oái oăm. Lắm khi mất mặt anh hùng chỉ vì ngồi lì một chỗ quá lâu!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Người lao động