Mang thai, có nên dùng thuốc đặc trị bệnh khác?

Thận trọng dùng thuốc khi có thai là cần thiết nhưng có những bệnh nếu không được điều trị lại có thể gây nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa sinh mạng cho mẹ và cho thai.

Ví dụ khi bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis (tiếp xúc với phân mèo, do ăn thịt có màu đỏ không nấu kỹ hoặc khi làm vườn, đụng chạm với đất có nhiễm phân mèo), một bệnh thường không có hại cho trẻ em và người trưởng thành nhưng có thể gây dị tật bẩm sinh cho não, mắt, tim và nhiều cơ quan khác cho nên cần được điều trị bằng kháng sinh khi đang mang thai. 

 

Nhiễm HIV ở phụ nữ có thai cũng cần được điều trị bằng zidovudine (AZT) vì nghiên cứu cho thấy thuốc làm giảm được đến 2/3 nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi ở những bà mẹ có HIV dương tính và cả mẹ và con đều không có tác dụng phụ nào đáng kể ngoài thiếu máu nhẹ. 

 

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị làm tăng nguy cơ sẩy thai và đẻ ra con chết. 

 

Bệnh hen làm giảm ôxy trong máu nuôi dưỡng thai nhi, có thể làm cho thai kém phát triển và đe doạ sự sống của thai. Cao huyết áp làm tăng nguy cơ cho nhau thai và làm cho thai chậm phát triển. 

 

Có thuốc còn có khả năng phòng dị tật bẩm sinh cho thai, ví dụ không đủ folic acid dễ sinh ra con có vấn đề nghiêm trọng ở não hoặc ở tủy sống. Phải dùng folic acid từ trước khi có thai vì những vấn đề nói trên có thể xảy ra rất sớm - khi thai mới 3- 4 tuần, thời điểm mà người phụ nữ chưa nhận biết mình có thai. Mỗi ngày cần 0.4mg folic acid. Có thể dùng multivitamin hoặc ăn nhiều rau quả, cam, chuối, sữa, đậu đỗ, thịt cơ quan (gan gà…).

 

Vậy điều quan trọng là thầy thuốc cần cân nhắc vấn đề lợi ích của thuốc phải lớn hơn nguy cơ cho mẹ và cho thai, ở liều vừa phải.

 

Theo T.Lê

Tuổi trẻ