Mắm tôm được phép tái kinh doanh

(Dân trí) - Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức đưa ra.

Theo đó, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ có văn bản cho phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng lại mắm tôm sau khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được khống chế.

“Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mắm tôm có ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc và thời hạn sử dụng. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành thủy sản phải có trách nhiệm phối hợp với ngành y tế trong khâu kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của mắm tôm”, ông Nga nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, mắm tôm là loại thực phẩm dinh dưỡng có lượng dự trữ đạm rất cao, dễ hấp thụ. Khi ở dạng nguyên chất rất mặn và đặc, khó có vi khuẩn nào sống được ở môi trường đó.  Tuy nhiên, mắm tôm rất dễ nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến trước khi ăn. Để đảm bảo an toàn không nên ăn mắm tôm, mắm tép sống mà phải chưng chín trước khi dùng. Quá trình đun chín mắm không hề làm tổn hại nguồn đạm dồi dào mà mà còn giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn.

Theo báo cáo mới nhất, trong cả tuần qua, tại miền Bắc đã không ghi nhận thêm ca tiêu chảy cấp nào có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Ngoài ra, một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Nguyên, Nghệ An... đã vượt qua 15 ngày không có bệnh nhân mới nhập viện.

Tại Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, 3 ngày qua có 23 trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện, trong đó có 5 trường hợp tụt huyết áp nặng nhưng  không có ca nào dương tính với phẩy khuẩn tả.

Cũng qua khảo sát và nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tại một số khu vực trọng điểm dịch ở Hà Nội và Hà Tây, đặc biệt là khu vực kênh Đan Hoài (Hoài Đức, Hà Tây), nơi mà 2 tuần qua từng phát hiện các mẫu dương tính với phẩy khuẩn tả đều cho kết quả âm tính.

Hồng Hải